Cách chăm sóc phụ nữ mang thai mắc Covid-19

Phụ nữ mang thai được coi là đối tượng có nguy cơ cao khi mắc Covid 19. Do vậy, quá trình  chăm sóc và điều trị Covid 19 đối với phụ nữ mang thai cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ chuyên khoa sản.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tràn lan ở khắp mọi nơi. Số người mắc Covid không ngừng tăng lên, khiến những người thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc Covid, trong đó có phụ nữ mang thai không khỏi lo lắng. 

1. Những ảnh hưởng của Covid 19 lên phụ nữ mang thai và thai nhi

Các nghiên cứu và thực tế đã cho thấy rằng, phụ nữ mang thai mắc Covid có nguy cơ bị nặng hơn người không mang thai, họ thường gặp phải nhiều vấn đề: viêm phổi, tiền sản giật, khó thở … và có nguy cơ phải thở máy, sinh non hoặc mổ lấy thai, thậm chí có thể tử vong. 

Cach cham soc phu nu mang thai mac Covid 19 01

Chưa có nghiên cứu về việc Covid-19 truyền từ mẹ qua thai nhi có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, hay gây sẩy thai. Virus SAR-CoV2 không tìm thấy trong nước ối hoặc sữa mẹ, nhưng có nhiều trường hợp em bé sinh ra bởi người mẹ mắc Covid, xét nghiệm thấy dương tính với Covid-19. Trẻ sơ sinh có thể bị mắc Covid, tuy vậy, các bác sĩ vẫn không khuyến khích người mẹ tách khỏi trẻ sơ sinh, chỉ trừ trường hợp người mẹ bị mắc bệnh quá nặng.

2. Cách chăm sóc phụ nữ mang thai mắc Covid-19

Những biểu hiện của thai phụ khi mắc Covid cũng giống như với người bình thường khác: sốt, đau cơ, gai người, ớn lạnh, mệt mỏi, đau họng, rát họng, mất khứu – vị giác.

Nếu các triệu chứng nhẹ nhàng, thai phụ có thể được điều trị tại nhà. 

Những nguyên tắc cơ bản hàng đầu thai phụ cần nhớ, đó là ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, uống đủ 2,5 lít nước/ ngày, lưu ý uống nước ấm và mỗi lần uống từng chút một, giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan, thư giãn bằng cách thiền, hoặc xem những bộ phim hài nhẹ nhàng, nghe những bản nhạc yêu thích, … Phụ nữ mang thai khi mắc Covid có thể sẽ cảm thấy tâm trạng bất an, vì vậy người thân cần luôn ở bên cạnh chia sẻ, động viên để họ an tâm điều trị bệnh.

Cach cham soc phu nu mang thai mac Covid 19 02

Ngoài ra, mẹ bầu cần được thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể, đo SPO2 2 lần/ ngày.

Khi thai phụ bị sốt, nhịp tim của thai nhi cũng có thể bị tăng lên, do vậy cần chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Mẹ bầu khi sốt cần uống nhiều nước ấm, nước điện giải (pha đúng liều lượng), lau chườm bằng khăn ấm, mặc quần áo thoáng mát, phòng ở đảm bảo thoáng mát, mùa hè có thể bật điều hòa, sử dụng các loại thuốc hạ sốt an toàn có thể dùng trong thai kỳ như paracetamol 500mg, hoặc Ibuprofen nếu không có tiền sử xuất huyết, viêm loét dạ dày…

Khi thai phụ bị ho có thể ngậm si rô thảo dược, hoặc áp dụng các phương pháp điều trị ho  dân gian như mật ong, tỏi, lê hấp đường phèn, có thể bỏ 1-2 lát gừng sả vào nước uống, tuy nhiên không nên uống quá nhiều gừng, sả, khi ngủ kê gối cao hơn một chút. 

Nếu thai phụ cảm thấy khó ngủ có thể sử dụng thảo dược như tâm sen để dễ ngủ hơn.

Nếu buồn nôn có thể uống thuốc chống nôn trong thai kỳ khi thai phụ bị nghén.

Thường xuyên vệ sinh tay bằng nước và xà phòng, hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch có cồn. 

Không lạm dụng vitamin, tăng cường quá mức dinh dưỡng, hạn chế ăn các đồ nhiều đường, mỡ động vật.

Nếu gặp một trong các dấu hiệu sau, cần báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời:

  • Không hạ sốt dù đã sử dụng thuốc hạ sốt, 
  • Không giảm ho dù đã sử dụng thuốc 
  • SPO2 giảm dưới 95%, cảm thấy khó thở
  • Thai nhi ít cử động, ít đạp hoặc đạp nhiều hơn so với bình thường
  • Cảm giác đau vùng bụng dưới, có cơn gò tử cung bất thường
  • Niêm mạc môi xanh tái, rơi vào trạng thái lú lẫn

Khi nhiễm Covid, thai phụ có nguy cơ bị chuyển biến nặng cao hơn so với người khác, do vậy cách tốt nhất là phụ nữ mang thai cần nâng cao ý thức phòng chống dịch. Họ cần được tách riêng, bảo vệ bản thân cẩn thận để phòng tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, đảm bảo thai kỳ an toàn, đón con yêu khỏe mạnh.

Xem thêm:

5/5 (1 Review)