Mùa hè khí hậu nóng bức nhiệt độ cơ thể đã cao hơn người bình thường, sẽ cảm thấy khó chịu hơn rất nhiều nên các mẹ bầu cần tránh và lưu ý một số điều sau.
I. Tránh ăn các thực phẩm gây nóng
Thời tiết nóng, cộng thêm thực phẩm nóng sẽ làm cho cảm giác nóng sẽ tăng lên nhiều phần. Do vậy, mẹ bầu cần tránh các thực phẩm gây nóng như các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, chiên rán, thực phầm giàu protein, hoa quả có tính nóng (mít, vải, nhãn, mận, đào) và các loại hạt (lạc, hạnh nhân, đậu tương, điều, hướng dương…). Những thực phẩm này gây nóng hoặc khó tiêu, không chỉ khiến mẹ bầu nóng trong người, mà còn ảnh hưởng không tốt tới cả mẹ và bé.
II. Tránh tắm quá lâu
Những ngày nắng nóng tới 40 độ C, lúc nào cơ thể cũng chực đổ mồ hôi rin rít, cảm giác được tắm mình trong làn nước mát lạnh thật sảng khoái. Tuy vậy, mẹ bầu cũng không nên tắm quá lâu, mỗi lần tắm chỉ tối đa 15 phút với nước ấm nhẹ, và không nên tắm sau 20h.
Tắm quá lâu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như hoa mắt, choáng ngất, cảm lạnh…
III. Tránh ánh nắng gay gắt
Vitamin D tự nhiên từ ánh nắng rất tốt cho chơ thể. Tuy nhiên, thời gian phơi nắng tốt nhất là trước 9h sáng (những ngày nắng gắt thì trước 8h sáng) . Khoảng thời gian sau 8h-9h sáng đến 4h chiều nếu phơi nắng hay đứng lâu ngoài nắng sẽ khiến cơ thể bị mất nước, say nắng. Nếu như có việc bắt buộc phải ra ngoài, mẹ bầu cần đội mũ nón, mặc áo chống nắng, che chắn cẩn thận.
IV. Tránh mồ hôi ra nhiều
Trời nắng nóng nếu không ở trong phòng điều hòa nhiệt độ là cơ thể luôn ở trong tình trạng mồ hôi đổ ra như tắm. Tình trạng này nếu kéo dài nhiều sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi, mất ngủ, ngoài ra có thể gây cảm lạnh. Vì vậy, mẹ bầu cần giữ không khí trong phòng dịu máng, thoáng đãng, nên mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi.
V. Hạn chế uống nước lạnh
Để bù lại lượng nước của cơ thể đã mất trong những ngày nóng bức, mẹ bầu cần lưu ý nạp đủ lượng nước, mỗi ngày mẹ bầu nên uống khoảng 2-2,5 lít nước. Không nên đợi đến khi cảm thấy khát mới uống, mà nên chia đều lượng nước uống trong ngày. Ngoài ra, mẹ bầu không nên uống nước lạnh, nhất là khi vừa đi nắng về. Nước lạnh không giúp bạn tăng cảm giác mát, mà chỉ làm cho cổ họng của bạn dễ bị viêm và cơ thể dễ bị cảm lạnh hơn do các mạch máu co lại đột ngột.
VI. Tránh ngồi quá lâu ở một tư thế, hoặc ngồi sai tư thế
Trong những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ rất dễ bị phù chân. Thời tiết nắng nóng sẽ càng làm cho cảm giác khó chịu tăng lên, và tình trạng phù chân nặng hơn khiến mẹ bầu mệt mỏi. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu nên hạn chế ngồi ở một tư thế quá lâu, cũng như đứng một chỗ quá lâu. Khi ngồi, mẹ bầu nên kê chân lên nệm hoặc ghế, kết hợp vận động đi lại nhẹ nhàng.
VII. Tránh để nhiệt độ máy lạnh quá thấp
Để cảm giác nóng nực giảm nhanh, nhiều mẹ bầu giảm nhiệt độ máy lạnh xuống thật thấp. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên như vậy. Bởi nếu ở trong phòng có điều hòa suốt cả ngày dài, không khí sẽ không được lưu thông, nhiều vi khuẩn tích tụ và sinh sôi, chưa kể đến việc mẹ bầu sẽ bị khô mũi, họng, dễ viêm họng, mũi. Và nếu ra ngoài sẽ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, chênh lệch nhiệt độ lớn sẽ khiến mẹ bầu dễ bị choáng, ngất, không hề tốt cho sức khỏe của mẹ bầu.
Xem thêm: