Nhật ký mẹ Mít phần 2: Trước khi mang thai nên bổ sung dinh dưỡng như thế nào?

Chào các mẹ, khi mang thai hầu hết các mẹ đều tập trung bồi bổ cho em bé khỏe mạnh, xinh đẹp, thông  minh. Nhưng rất nhiều mẹ không biết rằng, trước khi mang thai chính là thời điểm vô cùng quan trọng. Khi có kế hoạch mang thai, mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng ngay và luôn nhé!

me mit 1 01

Sở dĩ như vậy bởi vì, để có được chất lượng trứng và tinh trùng tốt nhất, các bố mẹ cần có sức khỏe tổng thể thật tốt, do đó cần một chế độ dinh dưỡng tốt. Hơn nữa, ở những tuần đầu tiên của thai kỳ là thời kỳ hình thành các cơ quan quan trọng của thai nhi. Mà giai đoạn này rất khó để mẹ nhận biết mình đã mang thai hay chưa. Nếu có sự quan tâm dinh dưỡng từ trước, mẹ không bỏ lỡ giai đoạn vàng này.

Ở phần 1 mẹ Mít đã chia sẻ một số kinh nghiệm tổng thể về các việc cần làm trước khi mang thai. Trong phần này mẹ Mít sẽ chia sẻ rõ hơn việc bổ sung dinh dưỡng như thế nào trước khi mang thai để mẹ có thể sinh ra được một em bé khỏe mạnh, bình thường nhé ạ!

I. Chế độ dinh dưỡng riêng với mẹ

Thời gian để một quả trứng trưởng thành và sẵn sàng cho quá trình thụ thai là 3 tháng trước khi mang thai. Khi trứng có chất lượng tốt, bạn có thể hạn chế được cả những rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ. Quan trọng như vậy, tại sao không chăm chút ngay từ đầu phải không các mẹ?

Có điều này cần lưu ý các mẹ là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối không có nghĩa là ăn thật là nhiều đâu ạ. Cái gì quá cũng đều không tốt. Các mẹ chú ý bổ sung các dinh dưỡng quan trọng, với một mức độ vừa đủ thôi nhé!

Việc đầu tiên là mẹ cần hạn chế ngay các thức ăn không có lợi cho sức khỏe như thức ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Luôn nhớ bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả với chế độ dinh dưỡng phong phú. Đặc biệt là những nhóm dinh dưỡng sau đây.

1.1. Bổ sung axit folic (vitamin B9)

axit-folic-khi-mang-thai-vien-cong-nghe-dna-1
Chế độ dinh dưỡng chuẩn bị mang thai không thể thiếu các thực phẩm chứa axit folic

Thai nhi trong giai đoạn đầu hình thành rất cần Axit folic, vì vậy mẹ cần uống với liều lượng thích hợp (theo Bộ Y tế quy định là 0,8 mg/ngày) kể từ 3 tháng trước khi mang thai, cho đến hết 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Việc bổ sung đầy đủ vitamin này, sẽ giúp con hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các loại dị tật ống thần kinh – loại dị tật phổ biến ở thai nhi gây ra các bệnh như nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới, hoặc dị dạng thai vô sọ. ….

Các chị em nên ngoài việc bổ sung axit folic dạng viên, có thể bổ sung thêm cả các loại thực phẩm giàu axit folic như giá đỗ, các loại rau xanh có màu sẫm (bông cải xanh, rau chân vịt, …) và các loại hạt, sữa, chuối… Cũng may là toàn món mẹ Mít thích nên không cũng rất hào hứng bổ sung nhiệt tình ạ!

1.2. Đừng để thiếu sắt các mẹ nhé!

sat-khi-mang-thai-vien-cong-nghe-dna-1

Khi mang thai, nhu cầu sắt của phụ nữ sẽ tăng lên gấp đôi, do thể tích máu của người mẹ tăng 500% so với lúc bình thường. Do đó, người mẹ rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Sắt có vai trò lớn trong việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi. Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu bị thiếu sắt có thể sẽ dẫn đến tình trạng sảy thai hoặc thai lưu. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, nếu mẹ bị thiếu sắt có thể sẽ gây ra tình trạng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, thiếu máu do thiếu sắt lúc sinh nở có thể bị băng huyết sau sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vì những lý do trên mà bác Bi yêu cầu mẹ Mít phải nhớ uống sắt trước khi mang thai 3 tháng, suốt quá trình mang thai, và cả sau khi sinh vẫn giục mẹ Mít uống sắt đều trong vòng 1 tháng.

Một số lưu ý khi dùng sắt là uống sắt sẽ hơi nóng, dễ bị táo bón, vì vậy khi bổ sung sắt, các mẹ cần bổ sung thêm rau củ quả cho đỡ nóng nhé!

Ngoài ra, nên uống sắt lúc đói, và bổ sung cùng vitamin C cho dễ hấp thu. Không nên uống sắt cùng calci, hoặc uống cùng trà, cà phê (dù sao thì trước khi mang thai khoảng 1-3 tháng, các mẹ cũng nên hạn chế các loại đồ uống này nhé)

Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, rau xanh, bí ngô, nho… các mẹ có thể lưu ý mấy loại thực phẩm này để ưu tiên bổ sung nhé!

1.3. Calci – nếu không bổ sung đủ sẽ khá phiền

can-xi-khi-mang-thai-vien-cong-nghe-dna-1

Một câu chuyện “kinh dị” có thật 100% là cô bạn mẹ Mít, sau sinh tự dưng bị rụng nguyên một chiếc răng. Lý do vì cô ấy bị thiếu calci. Tưởng tượng mà xem, thật là kinh hoàng khi tự nhiên hàm răng xinh đẹp bình thường bỗng rụng đi một chiếc sẽ hoang mang như thế nào?

Đấy là chưa kể các hệ lụy khác như đau lưng, đau tay, đau chân… khi bị thiếu calci.

Khi mang thai, em bé trong bụng sẽ lấy nguồn calci trực tiếp từ người mẹ. Nguồn calci này sẽ không lấy đâu khác ngoài xương và răng của bạn đó. Từ tuần thai thứ 29 trở đi, mỗi ngày bé sẽ lấy đi khoảng 250mg calci để bộ xương được  phát triển đầy đủ. Do đó, bạn rất cần được bổ sung calci đầy đủ với liều lượng khuyên dùng trước khi mang thai là 800mg, trong khi mang thai là từ 1000 – 2000 mg mỗi ngày.

Calci thì có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, cá… các mẹ có thể phân bổ trong các bữa ăn cho đồng đều các dinh dưỡng quan trọng nhé!

1.4. Bổ sung các loại Vitamin và các yếu tố vi lượng

vitamin-khi-mang-thai-vien-cong-nghe-dna-1

Có thể các mẹ chưa biết, rằng chính dinh dưỡng cũng đóng vai trò khá quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho bé. Do vậy, các mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ. Các mẹ nên bổ sung vitamin tổng hợp ngay từ trước khi mang thai, sẽ góp phần làm hạn chế nguy cơ mắc các bất thường dạng tự kỷ.

Ngoài việc uống bổ sung các loại viên uống vitamin tổng hợp, các mẹ có thể bổ sung một cách đầy đủ và cân đối qua các loại thực phẩm như gan cá biển, cà rốt, cà chua, bí ngô, trái cây tươi, rau xanh…

1.5. DHA có trong thành phần của axit béo Omega 3

omega3-khi-mang-thai-vien-cong-nghe-dna-1

DHA có ý nghĩa lớn trong việc phát triển hệ thần kinh trung tương của thai nhi ngay từ những tuần đầu tiên. Ngoài ra còn giúp phát triển võng mạc cho bé, cũng như giảm nguy cơ thai sinh non, nhẹ cân. Các mẹ cần tạo ra nguồn dự trữ DHA từ trước khi mang thai, để ngay từ những tuần đầu tiên bé đã có đủ lượng dinh dưỡng này để phát triển hệ thần kinh nhé ạ! Thuận lợi và dễ dàng nhất là các mẹ uống viên omega 3, liều tối thiểu là 220 mg/ngày, và tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu DHA như cá, lòng đỏ trứng gà, thịt, sữa, các loại hạt…

Ngoài một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng như trên, mẹ cần lưu ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt, hạn chế thức khuya, ăn ngủ đúng giờ và tập thể dục đều đặn nhé!

II. Một số lưu ý dành cho bố

nhip tim dap nhanh 3

Không chỉ riêng với mẹ đâu, mà cả các bố cũng cần hợp tác trong vụ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học, lành mạnh hơn. Bởi vì để có được “của để dành” là cục cưng sau này, nhất định phải có sự “hùn vốn” của bố mà.

Khi lên kế hoạch sinh em bé, các bố cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh hơn, hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê, các chất kích thích khác… và tăng cường các loại thực phẩm giàu kẽm, selen, vitamin, axit folic để tăng cường chức năng cơ quan sinh sản tạo ra những tinh trùng thật khỏe mạnh.

Những thực phẩm bố cần tăng cường là hải sản, giá đậu, sô cô la đen, trái cây các loại, đặc biệt là trái cây có múi, các loại rau xanh…

Việc chuẩn bị trước khi mang thai có thể nhiều bố mẹ chủ quan bỏ qua, chỉ đến lúc mang bầu mới tập trung ăn uống, bồi bổ. Nhưng thực tế nếu mẹ có sự chuẩn bị từ trước, em bé sẽ có được vô vàn những lợi ích. Mẹ Mít nếu không có sự đồng hành của bác Bi, phân tích, thúc giục, nhắc nhở, … thì chắc cũng chủ quan bỏ qua luôn. Nhưng sau này nhìn lại mới thấy rõ, trộm vía hai lần mang thai đều khỏe mạnh, nhẹ nhàng, cả Mít và Ong đều khỏe mạnh, thông minh mới thấy cảm ơn bác Bi vô cùng. Vì vậy, mẹ Mít mong các bố mẹ hãy có sự chuẩn bị cho việc mang thai đầy đủ, sẵn sàng đón bé yêu khỏe mạnh nhé!

0/5 (0 Reviews)