Cúm không chỉ khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu mà còn có thể gây hại cho thai nhi khi virus cúm xâm nhập vào nhau thai và tác động đến bé. Vì vậy, mẹ cần đề phòng sớm bệnh lý này, nhất là thời điểm giao mùa.
I. Bệnh cúm và triệu chứng cúm
Cúm là bệnh lý gây ra do nhiễm virus. Virus cúm xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua miệng và mũi, do tiếp xúc với dịch mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện… Đây là bệnh lý rất thường gặp ở tất cả mọi người. Nhất là bà bầu, sức đề kháng suy yếu nên dễ bị virus cúm tấn công gây bệnh.
Cảm cúm có thể do virus cúm A, B, C gây ra. Trong đó, phổ biến nhất là hai loại cúm A và cúm B.
Khi bị cúm, mẹ bầu thường có những biểu hiện như:
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Ho khan.
- Đau họng.
- Đau nhức cơ.
- Có thể kèm sốt.
- Mệt mỏi, uể oải.
Những triệu chứng này có thể xuất hiện 2-3 ngày hoặc kéo dài 1-2 tuần tùy vào mức độ bệnh của mỗi người.
Bệnh cúm có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa là thời điểm dễ mắc bệnh nhất nên mẹ bầu cần hết sức lưu ý, áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm.
II. Bà bầu bị cúm có nguy hiểm không?
Cúm là bệnh thường gặp. Tuy nhiên, mẹ bầu không được chủ quan vì khi mang thai, cơ thể mẹ yếu ớt hơn, nếu bị cúm sẽ nặng hơn người bình thường và còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thai nhi.
Thông thường, những người khác sẽ bị cúm khoảng 3-4 ngày rồi khỏi nhưng mẹ bầu thường bị lâu hơn, khoảng 1-2 tuần mới hết triệu chứng bệnh. Ngoài ra, nếu không điều trị cúm sớm, mẹ bầu dễ đối mặt với nguy cơ bị viêm phổi, viêm phế quản. Thậm chí, cúm có thể dẫn đến biến chứng nặng nề hơn như viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc…
Đặc biệt, bệnh cúm không chỉ gây ảnh hưởng đến mẹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến thai nhi. Virus cúm tấn công thai nhi có thể gây dị tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, hở hàm ếch, khiếm khuyết trên cơ thể…
Ngoài ra, nếu mẹ bị cúm trong 5 tháng đầu thai kỳ thì não bộ của thai nhi cũng có thể bị tổn thương, dẫn đến rối loạn tâm thần khi trẻ được sinh ra.
Thậm chí, nhiều trường hợp mẹ bầu bị sốt cao, độc tính của virus cúm có thể gây kích thích tử cung, gây co bóp tử cung dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non.
Vì vậy, nếu đang mang thai mà bị cúm thì mẹ bầu không được chủ quan. Tốt nhất là khi xuất hiện triệu chứng cúm nên đi khám ngay để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị an toàn, hiệu quả.
III. Giao mùa, mẹ bầu cần đề phòng mắc cúm
Cúm rất dễ lây lan từ người này sang người khác nhưng lại có thể được phòng ngừa nếu mẹ bầu biết cách. Hãy thực hiện những biện pháp dưới đây để ngăn ngừa cúm:
1. Tiêm vắc xin ngừa cúm
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm cũng như phòng tránh những biến chứng nặng nề do cúm gây ra cho mẹ và thai nhi, mẹ bầu hãy lên kế hoạch tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Đây được đánh giá là biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất hiện nay.
2. Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Ăn uống đầy đủ và cân bằng các loại dinh dưỡng giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cúm. Hơn nữa, chế độ ăn giàu dinh dưỡng còn giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
Đặc biệt, mẹ cần bổ sung các khoáng chất và vitamin thiết yếu như sắt, canxi, acid folic, bổ sung nhiều vitamin C, kẽm để giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế thực phẩm lạnh vì nó là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị cảm lạnh, cảm cúm.
3. Thể dục thể thao mỗi ngày
Khi mang thai, mẹ hãy cố gắng xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Thể dục thể thao giúp mẹ tăng cường sức khỏe, nâng cao thể chất và ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm các bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh…
Một số bài tập phù hợp cho mẹ bầu như: đi bộ, yoga, bơi lội rất tốt cho sức khỏe của mẹ. Khi mẹ tập thể dục cũng giúp tinh thần tốt hơn, tác động tích cực đến sự phát triển của thai nhi.
4. Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm
Cúm là bệnh lây lan qua đường hô hấp nên mẹ bầu rất dễ bị bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Chỉ cần đứng gần nói chuyện hay tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh là mẹ đã có thể nhiễm bệnh.
Vì vậy, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc với nguồn lây, hạn chế ra ngoài, đến nơi đông người, không nên đứng gần người đang bị cúm, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang… để giúp phòng nguy cơ lây bệnh.
5. Giữ ấm cơ thể
Vào mùa đông, mẹ bầu cần chú ý giữ ấm cơ thể để giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm. Mẹ có thể thực hiện những cách sau để giữ ấm cơ thể mình:
- Vận động thường xuyên, có thể massage để tăng tuần hoàn máu và giữ ấm.
- Khi ra ngoài cần mặc ấm, đeo bao tay, bao chân, giữ ấm phần cổ, ngực.
- Mặc quần áo đủ ấm nhưng không nên mặc quá nhiều vì có thể khiến cơ thể ra mồ hôi.
- Bổ sung đủ nước mỗi ngày bằng việc uống đủ 2 – 2,5 lít nước.
6. Ở nơi thoáng mát, sạch sẽ
Môi trường sống tác động trực tiếp đến nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm. Vì vậy, nơi ở của mẹ bầu cần đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng mát, đồ dùng vật dụng cần được vệ sinh thường xuyên để tránh lây nhiễm trung gian virus cúm.
Nếu đảm bảo đúng những biện pháp phòng chống nêu trên thì mẹ sẽ không cần phải quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm cúm vào thời điểm giao mùa.
Xem thêm:
-
Sinh con mùa đông – 4 bước chuẩn bị để con xinh mẹ đẹp như Đông Nhi?
-
Mẹ bầu xây dựng chế độ dinh dưỡng cho 3 tháng đầu để con khỏe, thông minh