Khi mang thai, sức khỏe của thai nhi bị chi phối bởi nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan như chế độ dinh dưỡng, bệnh lý di truyền, tuổi tác của mẹ… Độ tuổi của bố có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hay không là vấn đề rất được quan tâm bởi ngày càng có nhiều cặp đôi sinh con khi người bố đã không còn trẻ.
1. Độ tuổi của bố có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi?
Câu trả lời cho câu hỏi này là CÓ. Độ tuổi của bố hay của mẹ cũng đều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như sức khỏe của thai nhi. Độ tuổi của bố tác động đến thai nhi vì:
- Tuổi càng cao thì khối lượng tinh dịch, số lượng tinh trùng, chất lượng của tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng đều giảm nên khả năng thụ tinh với trứng thành công cũng giảm.
- Đàn ông càng cao tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp cũng tăng. Những bệnh lý này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi.
- Nếu đàn ông lớn tuổi có tinh trùng thụ thai thành công thì tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh cũng cao hơn những người đàn ông trẻ tuổi do tinh trùng của đàn ông lớn tuổi có thể bị bất thường trong DNA, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi.
Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, con của những ông bố lớn tuổi thường có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cụ thể, nếu em bé được sinh ra khi ông bố trên 40 tuổi thì nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cao gấp 5 lần so với những em bé được sinh ra khi bố dưới 30 tuổi. Ngoài ra, chúng cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần phân liệt cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
2. Những dị tật bẩm sinh chịu tác động bởi độ tuổi của người bố
Độ tuổi người bố càng cao thì nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng cao hơn do chất lượng tinh trùng suy giảm. Những dị tật bẩm sinh bị tác động trực tiếp bởi độ tuổi của bố gồm:
2.1 Sứt môi, hở hàm ếch
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, độ tuổi của bố là yếu tố nguy cơ cao gây sứt môi, hở hàm ếch mà không phụ thuộc vào tuổi của mẹ.
2.2 Tự kỷ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nếu nam giới mang thai khi đã ngoài 50 tuổi thì con sinh ra có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp đôi so với những đứa con của đàn ông trẻ tuổi.
2.3 Hội chứng Down
Theo một nghiên cứu đánh giá trên 3.400 trường hợp bị mắc hội chứng Down thì có đến 50% số trường hợp bố của những đứa trẻ này cao tuổi. Nếu cả mẹ cũng cao tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.
2.4 Tâm thần phân liệt
Con của những ông bố trên 30 tuổi có nguy cơ bị tâm thần phân liệt khi sinh ra. Nguy cơ này cao hơn nếu đàn ông có con khi đã trên 50 tuổi.
2.5 Rối loạn lưỡng cực
Đàn ông sinh con khi đã ngoài 55 tuổi thì em bé sinh ra có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực cao hơn 1,37 lần so với những ông bố có con ở độ tuổi ngoài 20.
2.6 Bất thường thai nhi
Nếu có con khi tuổi cao thì con của những người đàn ông này sẽ có nguy cơ cao mắc các bất thường như: bất thường phát triển xương chi, bất thường hộp sọ và bất thường ở tim. Ngoài ra, những đứa trẻ này cũng dễ gặp phải những bất thường về tâm thần, huyết học…
3. Có con khi tuổi đã cao, nam giới cần làm gì?
Có con khi tuổi đã cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho em bé. Để hạn chế điều này, nam giới nên thực hiện những biện pháp dưới đây để giảm thiểu sự ảnh hưởng của tuổi tác lên thai nhi:
- Hạn chế tối đa việc hút thuốc, uống rượu bia vì chúng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cũng như số lượng tinh trùng.
- Không nên đặt máy tính lên đùi, không mặc đồ lót quá chật vì có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng và phóng tinh.
- Không tiếp xúc với hóa chất độc hại và bức xạ vì chúng ảnh hưởng tiêu cực đến tinh trùng.
- Nên đi khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai để được tư vấn những vấn đề về sức khỏe bản thân nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai.
- Ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe cơ thể cũng như chất lượng tinh trùng.
- Khi đã mang thai, người vợ nên đi khám thai thường xuyên, làm các xét nghiệm, siêu âm định kỳ để theo dõi thai kỳ cũng như phát hiện sớm bất thường thai nhi và đưa ra phương hướng xử lý phù hợp.
Các mẹ bầu có chồng lớn tuổi nên thực hiện xét nghiệm NIPT để sàng lọc trước sinh. Xét nghiệm này có thể sàng lọc được toàn diện những bất thường di truyền, phát hiện sớm các dị tật thai nhi…. Đặc biệt, độ chính xác của xét nghiệm NIPT cao, lên tới 99,9%, lại thực hiện được từ sớm, từ tuần thai thứ 9 trở đi nên sẽ giúp phát hiện sớm và chính xác nhất những bất thường của thai nhi để mẹ bầu chủ động quản lý thai kỳ hơn.
Xem thêm: