Màu sắc kinh nguyệt có thể phản ánh sức khỏe của nữ giới. Nhận biết tình trạng khác lạ của màu sắc kinh nguyệt giúp phát hiện sớm bất thường và đưa ra phương pháp điều trị giúp bảo vệ sức khỏe cho chị em.
I. Đặc điểm của máu kinh
Chu kỳ kinh nguyệt là điều kiện cần thiết để giúp quá trình sinh sản hình thành. Khi nữ giới đến độ tuổi nhất định sẽ xảy ra sự rụng trứng và hiện tượng kinh nguyệt.
Trước thời điểm rụng trứng, nội mạc tử cung của chị em sẽ bao phủ bề mặt từ cung. Khi rung trứng, lớp nội mạc thay đổi để chuẩn bị cho việc trứng được thụ tinh và làm tổ. Nếu không diễn ra quá trình thụ tinh, tử cung sẽ tự loại bỏ lớp nội mạc tử cung để hình thành chu kỳ kinh mới.
Chính sự loại bỏ này đã dẫn đến việc hành kinh. Kinh nguyệt được gọi là máu nhưng nó khác với máu trong tĩnh mạch. Thành phần của máu kinh chỉ có khoảng 36% là máu, còn lại là các thành phần khác như chất nhầy cổ tử cung, âm đạo, niêm mạc tử cung…
Máu kinh thường thay đổi nhiều màu sắc khác nhau theo các giai đoạn của chu kỳ kinh, bao gồm màu đỏ tươi, đen, nâu, xám, cam… Đầu chu kỳ thường là màu đỏ, đến cuối chu kỳ thì máu kinh thường chuyển sang màu nâu, đen. Những thay đổi này là hết sức bình thường, không có gì đáng lo ngại.
II. Màu sắc kinh nguyệt phản ánh sức khỏe nữ giới
Có thể nhiều người không biết nhưng màu sắc kinh nguyệt có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của nữ giới. Màu sắc kinh phản ánh sức khỏe hormone của cơ thể. Trong khi đó, hormone có vai trò quan trọng giữ cho hệ thống bên trong cơ thể hoạt động trơn tru.
Cùng tìm hiểu xem màu sắc máu kinh phản ánh như thế nào về sức khỏe nhé.
1. Máu kinh màu đỏ tươi
Thông thường, đầu chu kỳ, máu kinh sẽ có màu đỏ tươi. Điều này chứng tỏ máu tươi và có lượng chảy đều. Cuối chu kỳ, màu máu chuyển sang sẫm hơn. Tuy nhiên vẫn có người máu kinh đỏ tươi suốt cả chu kỳ kinh.
Nếu ra máu đỏ tươi bất thường không vào ngày hành kinh thì có thể cảnh báo bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, các bất thường trong niêm mạc tử cung như polyp, u xơ… Thậm chí, có trường hợp chảy máu đỏ tươi có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung.
2. Máu kinh màu đen
Máu đen thường xuất hiện vào cuối chu kỳ kinh nguyệt do máu đã cũ và mất nhiều thời gian để ra khỏi tử cung.
Tuy nhiên, máu màu đen có thể là dấu hiệu của sự tắc nghẽn đường ra từ tử cung hoặc tắc nghẽn bên trong âm đạo như chít hẹp eo tử cung, dính buồng tử cung, khuyết sẹo mổ lấy thai… khiến máu mất nhiều thời gian để ra đến âm đạo nên chuyển sang màu đen.
3. Máu màu nâu sẫm
Trường hợp máu màu nâu sẫm thường không đáng lo ngại. Tình trạng này hay xuất hiện vào cuối chu kỳ kinh do máu mất nhiều thời gian để ra ngoài âm đạo nên chuyển màu hoặc có thể do máu lẫn với niêm mạc tử cung nên có màu nâu sẫm.
4d. Máu màu hồng
Màu kinh màu hồng có thể là do các nguyên nhân như:
- Máu lẫn dịch cổ tử cung.
- Quan hệ tình dục tạo ra vết rạn nhỏ trong cổ tử cung hoặc âm đạo. Máu từ các vết rạn tiết ra trộn với dịch âm đạo tạo thành dịch màu hồng thoát ra ngoài.
- Sử dụng thuốc tránh thai làm giảm nồng độ estrogen dẫn đến kinh nguyệt ra ít hơn và có màu hồng.
- Các nguyên nhân khác: thiếu máu, thiếu dinh dưỡng…
5. Máu màu cam
Máu kinh màu cam có thể là do máu trộn với dịch cổ tử cung. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn. Tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng mình đang gặp phải.
6. Máu màu xám
Máu có màu xám thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong âm đạo. Ngoài triệu chứng máu màu xám, viêm âm đạo do vi khuẩn còn có các triệu chứng khác như khí hư mùi hôi tanh, ngứa âm hộ, tiểu buốt…
7. Xuất hiện cục máu đông trong máu
Máu kinh thường có các cục máu đông nhỏ do chứa các mảnh niêm mạc tử cung. Đây là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều và kèm theo nhiều cục máu đông lớn thì có thể là dấu hiệu rong kinh.
Màu sắc của kinh nguyệt thường thay đổi trong suốt thời gian hành kinh và không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, màu sắc kinh cũng có thể cảnh báo vấn đề về sức khỏe. Tốt nhất, chị em vẫn nên đi khám phụ khoa, khám tiền hôn nhân trước khi kết hôn để chẩn đoán tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện và điều trị kịp thời nếu sức khỏe bất thường.
Việc khám tiền hôn nhân rất quan trọng đối với nữ giới, nhất là những chị em thường xuyên gặp phải tình trạng thay đổi màu sắc máu kinh bất thường. Kinh nguyệt liên quan mật thiết đến sức khỏe sinh sản nên chị em cần hết sức lưu ý.
Xem thêm: