Trường hợp dị ứng nào trì hoãn, tiêm, không tiêm vaccine Covid-19?

Tại Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế, quy định người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên là đối tượng thận trọng tiêm chủng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có tiền sử dị ứng đều chống chỉ định tiêm phòng.

Khi đi tiêm vaccine, bạn nên trả lời bác sĩ sàng lọc 4 câu hỏi:

  • Đầu tiên, có tiền sử dị ứng nặng với thuốc sử dụng đường tiêm không (tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da)
  • Thứ hai là có tiền sử dị ứng nặng với vaccine không
  • Thứ ba, có tiền sử dị ứng nặng với các dị nguyên khác không (thức ăn, nọc côn trùng, latex…)
  • Cuối cùng, bạn có tiền sử dị ứng tức thì (trong vòng 4 tiếng sau khi sử dụng) hoặc dị ứng nặng với polyethylene glycol (PEG), polysorbate hay dầu thầu dầu polyoxyl 35 trong thuốc dùng đường tiêm hoặc vaccine không.

Vaccine Covid-19 không chứa gelatin, không chứa trứng, không chứa latex nên bạn không cần lo sợ khi chỉ dị ứng nhẹ với các thành phần nêu trên.

Truong hop di ung nao tri hoan tiem khong tiem vaccine Covid 19

Nếu bạn có tiền sử dị ứng nhẹ với thức ăn, thuốc, nọc côn trùng, thậm chí tiền sử dị ứng nhẹ với vaccine khác (không chứa thành phần giống với vaccine Covid-19), đồng nghĩa bạn nguy cơ thấp dị ứng vaccine Covid-19.

Những người mắc bệnh mastocytosis hoặc bệnh hoạt hóa tế bào Mast, hen phế quản ổn định, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng cơ địa, cũng ít có nguy cơ dị ứng vaccine Covid-19. Những người này, tiêm vaccine theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Những người có tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc với vaccine (không chứa thành phần giống với thành phần vaccine Covid-19), thuốc đường tiêm không chứa PEG hoặc polysorbate; những người có tiền sử phản vệ mức độ nhẹ với thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, latex; được tiêm vaccine theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và ở lại theo dõi tại điểm tiêm 30 phút sau tiêm.

Những người có tiền sử phản vệ với vaccine Covid-19 hoặc PEG, hoặc polysorbate trong thành phần của vaccine Covid-19, cần phải tham vấn bác sĩ dị ứng trước khi tiêm. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng sau khi đánh giá lâm sàng có thể thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên khoa để xác định tình trạng dị ứng, từ đó quyết định bạn có được tiêm hay không và tiêm theo phương pháp nào để đảm bảo an toàn.

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm
Trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, trường Đại học Y Hà Nội
Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E

3/5 (1 Review)