Sẩy thai, thai lưu liên tiếp – nguyên nhân từ đâu?

Đây thực sự là câu hỏi khó không chỉ đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn mà cũng là thách thức chẩn đoán rất lớn cho các bác sĩ lâm sàng và di truyền. Thực tế các cặp vợ chồng thường sẽ đi khám rất nhiều nơi và có thể được tư vấn nhiều cách điều trị khác nhau và làm nhiều xét nghiệm tốn kém. Điều này là do nguyên nhân của sẩy thai liên tiếp thường rất khó đánh giá và có khoảng hơn 50% các trường hợp là không xác định được. Ngoài ra, nguy cơ sẩy thai thường tăng theo số lần sẩy thai liên tiếp:

– Sau một lần sẩy thai, nguy cơ sẩy thai kỳ tiếp theo là khoảng 15%

– Sau hai hay ba lần sẩy thai liên tiếp, với nguy cơ sẩy thai lần lượt là 30% và 30-45%

Một số yếu tố có thể là nguyên nhân của sẩy thai liên tiếp bao gồm: bất thường nhiễm sắc thể (NST) của bố mẹ, suy giáp không được điều trị, đái tháo đường không kiểm soát, bất thường giải phẫu tử cung, hội chứng kháng phospholipid (APS), bệnh lý tăng đông máu (thrombophilias) di truyền hay mắc phải, bệnh nhiễm trùng, yếu tố miễn dịch, yếu tố môi trường, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết tố, chất lượng tinh trùng và tuổi mẹ và tuổi cha đều có mối liên hệ với nhau. Hầu hết bệnh nhân thường có thể có cùng lúc nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Điều quan trọng là xác định các nguyên nhân có thể xảy ra nhất và điều trị cá thể hoá phù hợp.

Picture1

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong tình trạng sẩy thai tái phát. Bất thường nhiễm sắc thể được chẩn đoán ở hơn 50% trường hợp sẩy thai trong ba tháng đầu, ít phổ biến hơn ở ba tháng giữa và ba tháng cuối, chủ yếu là các bất thường số lượng NST, trong khi chuyển đoạn cân bằng ở bố mẹ chỉ chiếm 2-5%. Ngoài những bất thường về NST, những khiếm khuyết ở một hoặc nhiều gen liên quan đến điều hòa giảm phân, sửa chữa DNA và tăng sinh tế bào có thể làm suy giảm sự phát triển của giao tử cũng như sự phát triển của phôi. Bên cạnh nguyên nhân bất thường NST đã được chứng minh rõ ràng liên quan đến sẩy thai liên tiếp, hiện có rất ít dữ liệu về các đột biến gen cụ thể của bố mẹ và thai nhi có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai. Năm 2017, một đánh giá có hệ thống gồm 428 nghiên cứu bệnh chứng đã xác định mối liên quan giữa sẩy thai tái phát không rõ nguyên nhân và 21 biến thể gen của bố mẹ liên quan đến phản ứng miễn dịch, đông máu, chuyển hóa và hình thành mạch, mặc dù hầu hết bằng chứng có độ chắc chắn thấp. Một nghiên cứu khác thực hiện giải trình tự exon ở 20 cặp vợ chồng trong đó 14 cặp được phát hiện là mang gen lặn nhiễm sắc thể thường. 50 biến thể gây bệnh ở 40 gen đã được xác định (82,5%). Đột biến ở một số gen quan trọng (SRP54, ERBB4, NEB, ALMS, ALAD, MTHFR, F5 và APOE) đã được phát hiện có liên quan đến các con đường phát triển phôi và quá trình thai sẩy.

Trong những thập kỷ gần đây, con đường di truyền gây sẩy thai đã được biết đến nhiều hơn, cũng như khả năng chẩn đoán và ngăn ngừa sẩy thai liên quan đến di truyền đã tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu bổ sung về mối liên hệ giữa gen và bệnh tật, điều này có thể mở đường cho các biện pháp can thiệp có mục tiêu trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

(1) Melo P, Dhillon-Smith R, Islam MA, Devall A, Coomarasamy A. Genetic causes of sporadic and recurrent miscarriage. Fertil Steril. 2023;120(5):940-944.

(2) Zhou Q, Xiong Y, Qu B, Bao A, Zhang Y. DNA Methylation and Recurrent Pregnancy Loss: A Mysterious Compass?. Front Immunol. 2021;12:738962. Published 2021 Oct 21.

(3) Srivastava P, Bamba C, Chopra S, et al. Identification of genetic alterations in couples and their products of conceptions from recurrent pregnancy loss in North Indian population. Front Genet. 2023;14:1155211.

5/5 (1 Review)