3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Những gì mẹ ăn vào đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi nên mẹ cần hết sức lưu ý. Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ như thế nào là tốt nhất? Hãy cùng tìm hiểu để có một thai kỳ khỏe mạnh.
I. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong tam cá nguyệt đầu tiên
3 tháng đầu là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Đây là giai đoạn hệ thống thần kinh thai nhi bắt đầu phát triển, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như tim, hệ tuần hoàn, tủy sống. Đến tuần thứ 12 của thai kỳ thì hầu hết các bộ phận như tay, chân, mắt, mũi… của thai nhi được hoàn thiện.
Vì vậy, trong 3 tháng đầu, những gì mẹ ăn vào đều có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển thai nhi. Thậm chí, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc ăn phải những “chất cấm” thì em bé có thể bị dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng và nguy cơ cao bị sảy thai.
Vì vậy, mẹ bầu cần hết sức lưu ý trong chế độ ăn uống hằng ngày. Cùng với đó, cũng nên quan tâm đến sinh hoạt thường ngày, hạn chế leo cầu thang, chạy bộ hay hoạt động mạnh vì chúng có thể tác động xấu đến thai nhi.
II. 3 tháng đầu thai kỳ ăn bao nhiêu là đủ?
Không ít người cho rằng khi mang thai mẹ phải “ăn cho 2 người” nên đã cố gắng ăn thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, nhất là với 3 tháng đầu thai kỳ.
Lúc này, thai nhi còn quá nhỏ nên không cần một lượng lớn dinh dưỡng như những gì mẹ nghĩ. Việc ăn nhiều chỉ khiến mẹ tăng cân nhanh chứ không giúp em bé phát triển nhanh về trọng lượng. Quan trọng là mẹ phải ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng chứ không cần phải ăn nhiều.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia sản khoa, giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, lượng calo được khuyến nghị dành cho mẹ bầu là 2000 calo/ngày, không khác nhiều so với bình thường.
III. 3 tháng đầu thai kỳ mẹ cần bổ sung những gì?
Dù không phải ăn nhiều nhưng mẹ vẫn phải đảm bảo bổ sung đầy đủ các loại dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Chúng gồm:
1. Acid folic
Đây là chất rất cần thiết mẹ nhất định phải bổ sung đủ vì nếu thiếu acid folic sẽ làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, dị tật nứt đốt sống bào thai. Những thực phẩm giàu acid folic tốt cho mẹ bầu gồm: rau màu xanh đậm (súp lơ xanh, rau bina, măng tây…), ngũ cốc, trái cây (bơ, cam, nho…), thịt da cầm hoặc sử dụng viên uống bổ sung acid folic.
2. Sắt
Bổ sung đầy đủ sắt giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, sắt cũng tham gia sự hình thành các bộ phận của thai nhi. Mỗi ngày mẹ nên bổ sung 36 – 40mg sắt. Những thực phẩm giàu sắt bao gồm: thịt bò, các loại hạt, rau xanh và viên sắt bổ sung.
3. Protein
Protein vô cùng cần thiết, tham gia vào quá trình sản sinh máu cũng như sự phát triển mô bào thai, mô tử cung và mô vú của mẹ. Các bữa ăn của mẹ bầu nên có protein bằng việc sử dụng các thực phẩm như: thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, sữa, các loại đậu…
4. Canxi và vitamin D
Đây là 2 thành phần chính tham gia vào quá trình cấu thành xương của thai nhi nên mẹ cần bổ sung đầy đủ. Thực phẩm giàu canxi gồm: tôm, cá, cua, rau xanh, các loại đậu, sữa, sữa chua… Ngoài ra, mẹ nên tắm nắng vào sáng sớm để cơ thể được hấp thu vitamin D tự nhiên, hỗ trợ hấp thu canxi tốt hơn.
5. Vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng cảm lạnh, ốm nghén ở mẹ bầu và hỗ trợ thai nhi có bộ xương chắc khỏe hơn. Mẹ có thể bổ sung vitamin C qua những thực phẩm như: cam, quýt, ổi, dâu tây, rau xanh…
IV. Bí kíp ăn uống 3 tháng đầu giúp mẹ và thai nhi nhận đủ dinh dưỡng
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hầu hết mẹ bầu đều bị ốm nghén với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn… Vì vậy, nó khiến mẹ suy nhược, sụt cân và có thể không nạp đủ dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và cho sự phát triển của thai nhi.
Để việc ăn uống trở nên dễ dàng hơn và tăng hấp thu dinh dưỡng tối ưu, mẹ nên áp dụng một vài bí kíp dưới đây:
- Chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá nhiều trong một bữa để giảm buồn nôn, nôn
- Nên chế biến mềm, dễ tiêu
- Uống đủ nước mỗi ngày bằng nước lọc, nước ép trái cây…
- Tập thể dục nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe. Các bộ môn phù hợp với mẹ bầu như yoga, đi bộ
Bên cạnh đó mẹ cũng nên giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng lo lắng quá mức vì có thể ảnh hưởng đến em bé.
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong 3 tháng đầu. Ngoài ra, mẹ cũng nên đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và đi khám ngay khi có các biểu hiện bất thường như ra máu âm đạo, đau bụng dữ dội, sốt…
Từ tuần thai thứ 10 mẹ có thể thực hiện xét nghiệm NIPT để sàng lọc và phát hiện sớm các bất thường nhiễm sắc thể gây nên những bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng Down, hội chứng Patau… Việc phát hiện sớm sẽ giúp đưa ra những phương án xử lý kịp thời, đồng thời cũng giúp mẹ an tâm hơn trong suốt thai kỳ.
Xem thêm:
-
Bà bầu nên uống thuốc gì trong 3 tháng đầu để ngăn ngừa thai nhi bị dị tật bẩm sinh
-
[Lưu ý] Mang thai ở tuổi 35 như thế nào để mẹ tròn con vuông