Biến thể Delta nhân cao gấp 1.000 lần chủng nCoV cũ

Biến thể Delta xâm nhập, nhân nhanh trên niêm mạc đường hô hấp, nồng độ virus trong dịch tiết người nhiễm cao gấp 1.000 lần chủng gốc nên truyền sang người khác dễ.

Trong công điện gửi các địa phương ngày 15/9, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh. Nồng độ virus trong dịch hầu họng các bệnh nhân cao gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng nCoV trước. Các nghiên cứu trên thế giới hồi cuối tháng 7 cũng cho thấy điều này.

1. Về lâm sàng

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết khi biến thể Delta vào cơ thể sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh hơn các chủng cũ. Qua thực tiễn, thời gian từ lúc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đến lúc chuyển nặng, bao gồm các dấu hiệu viêm phổi, khó thở… chỉ khoảng 4-5 ngày, trong khi chủng cũ xuất hiện ở Vũ Hán từ 7-10 ngày. Khi thời gian chậm hơn, cơ thể dễ thích nghi, đáp ứng hơn. Còn với biến thể Delta, khi nồng độ virus trong cơ thể nhiều, thời gian trở nặng nhanh gây quá tải y tế khiến tỷ lệ tử vong cao hơn.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet hôm 27/8, phân tích hơn 40.000 trường hợp dương tính nCoV ở Anh, cho thấy biến thể Delta gây triệu chứng nặng hơn các biến thể khác. Người nhiễm biến thể Delta trung bình trẻ hơn. Tính toán các yếu tố liên quan đến bệnh trạng như tuổi tác, dân tộc và vaccine, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ nhập viện tổng thể từ Delta cao gấp đôi.

Khi chia nhỏ dữ liệu theo tình trạng tiêm chủng, họ xác nhận Delta làm tăng gấp hai lần nguy cơ nhập viện ở người chưa tiêm hoặc tiêm liều đầu tiên dưới ba tuần.

2. Về tốc độ lây lan

Trong nghiên cứu hồi tháng 7, các nhà khoa học khẳng định: “Delta xâm nhập tế bào người dễ dàng hơn”.

Bác sĩ Hà phân tích, với biến thể Delta, khả năng bắt rễ vào tế bào vật chủ niêm mạc đường hô hấp rất dễ dàng. Nồng độ virus cao đồng nghĩa các F0 thải ra nhiều virus hơn. Điều này có thể lý giải tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn nhiều so với các chủng khác như Alpha, Beta… Khi ở trong môi trường kín, Delta càng có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Hiện chưa thể tính chính xác lượng virus phát tán vào không khí. Giáo sư Linsey Marr, khoa Kỹ thuật dân sự và Môi trường tại Trường Virginia Tech, Mỹ, giải thích: “Virus nhân lên gấp 1.000 lần trong cơ thể không nhất thiết là virus thải ra không khí cũng gấp 1.000 lần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều này có xảy ra”.

Các chuyên gia ước tính, Delta có khả năng lây lan cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha. Alpha cũng có khả năng lây lan cao hơn chủng virus lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán khoảng 50%.

bien chung deta tp hcm nguy hi 3501 8707 1631714930
Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và rộng. Ảnh: Reuters.

3. Về cách thức lây truyền

Ngoài lây truyền qua giọt bắn và qua vật dụng, bề mặt nhiễm mầm bệnh, nCoV còn có khả năng lây truyền qua không khí. Đây là phương thức lây truyền mới được khẳng định từ đầu năm nay.

Chuyên gia phân tích, những giọt bắn nhỏ hơn 5 micromet (gọi là aerosol hay hạt khí dung) sẽ treo lơ lửng trong không khí. Các hạt này bản chất là dạng vật chất, dạng rắn hoặc dạng lỏng, tồn tại ở cấu trúc rất nhỏ. Về nguyên lý, khi trọng lượng nhỏ, những hạt này nằm lại trong không khí lâu, phát tán xa hơn, và những người ở xa có thể hít phải các hạt đó rồi nhiễm bệnh.

Trong môi trường lưu thông không khí kém như phòng kín, khoang máy bay, ôtô, phòng tại bệnh viện, hội trường, quán bar, karaoke… những hạt nhỏ này bay lơ lửng trong không khí, không có lối thoát. Chúng có thể tích tụ nhanh chóng, tương tự khói thuốc lá, thành nồng độ đặc dần, hệ quả là người trong môi trường đó có khả năng nhiễm bệnh rất cao.

Theo các nghiên cứu, biến thể Delta gây nguy cơ lây nhiễm ngoài trời cao hơn thể gốc, đặc biệt đối với những người chưa tiêm chủng. Bác sĩ Hà cho biết, các hạt khí dung bay lơ lửng, có thể đi xa đến 6-7 mét vẫn có thể lây nhiễm được, chứ không chỉ dừng lại ở khoảng cách hai mét. Mức độ lây nhiễm phụ thuộc vào nồng độ virus trong không khí nhiều hay ít. Khi không gian hẹp, kín, ít lưu thông không khí thì nồng độ virus cao. Những giọt khí dung nhỏ nhất có thể tồn tại trong không khí hàng giờ liền, và còn có thể lâu hơn nếu nồng độ trong không khí dày đặc do môi trường khép kín, thông gió kém. Khi mở cửa thông thoáng thì nồng độ virus loãng đi rất nhiều.

Chuyên gia nhấn mạnh, thông thoáng không khí là điều cần thiết và hiệu quả để ngăn chặn nCoV. Tại bệnh viện, tất cả phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay… Ở các siêu thị, shop bán hàng, quán cà phê, quán ăn, lớp học cũng vậy. Đối với các khu săn sóc đặc biệt, phòng cấp cứu cần làm thông gió. Đóng cửa các dịch vụ trong phòng kín như karaoke, quán bar, rạp chiếu phim… Taxi, xe buýt, xe khách… không được đóng kín cửa và phải dùng quạt.

Theo giới y khoa, tiêm vaccine là cách tốt nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Các loại vaccine hiện nay được công nhận về hiệu quả với biến thể Delta. Người đã nhận hai liều hiếm khi chuyển nặng. Song, người đã tiêm vaccine vẫn cần thận trọng.

0/5 (0 Reviews)