Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm, có thể lấy đi tính mạng của phụ nữ. Và những hiểu lầm về bệnh có thể làm cho người bình thường cảm thấy hoang mang và làm rút ngắn tuổi thọ của người bệnh.
Bạn có thể nghe báo đài, mạng xã hội, người người… nói về bệnh ung thư buồng trứng. Những thông tin này có thể chính thống hoặc không, đúng hoặc sai khiến cho bạn cảm thấy rối bời. Thì đây, trong bài viết được chia sẻ trên tạp chí The Health, tiến sỹ Steve Vasilev – Giám đốc y khoa về ung thư phụ khoa tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John, Mỹ, sẽ mách cho các bạn biết những lầm tưởng thường gặp về ung thư buồng trứng.
1. Chỉ những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư buồng trứng thì mới mắc ung thư buồng trứng?
Thực tế: Đúng là bệnh ung thư buồng trứng có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố tiền sử gia đình, nghĩa là nếu gia đình bạn có bà, mẹ, chị em gái đã mắc ung thư buồng trứng thì bạn cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh quái ác này khá cao. Tuy nhiên, bệnh ung thư buồng trứng giống như các căn bệnh ung thư khác, nguyên nhân do di truyền chiếm khoảng 10% các trường hợp. Còn đến 90% các ca mắc phải căn bệnh này là do giới tính, tuổi tác và chế độ sinh hoạt. Phụ nữ bị tiểu đường, béo phì, phụ nữ không mang thai, sinh con, không cho con bú, phụ nữ ăn nhiều chất béo, sử dụng thuốc lá… có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn người bình thường. Đặc biệt, quá nửa số ca mắc ung thu buồng trứng xảy ra ở phụ nữ trên 60 tuổi. Vì thế, mọi phụ nữ cần tìm hiểu sớm các triệu chứng của ung thư buồng trứng và nên định kỳ kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư sớm.
2. Ung thư buồng trứng không có triệu chứng sớm
Thực tế: Ung thư buồng trứng có những triệu chứng báo trước, tuy nhiên, các triệu chứng này lại khá giống với các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc kinh nguyệt. Vì thế, rất nhiều trường hợp bệnh nhân coi thường các triệu chứng bệnh, hoặc bị chẩn đoán nhầm lẫn, và đó là lý do bệnh ung thư này thường được phát hiện ở giai đoạn 3 – giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn ra nhiều bộ phận của cơ thể.
Nếu bạn cảm thấy cơ thể mình có những thay đổi như bụng bị đầy hơi liên tục, thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiểu, bị đau hoặc cảm thấy xương chậu bị áp lực, bị đau khi quan hệ tình dục, bị giảm cân nhanh chóng không rõ lý do… thì hãy nghĩ đến khả năng mắc ung thư buồng trứng và đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
3. U nang buồng trứng có thể phát triển thành ung thư
Thực tế: U nang ở buồng trứng là một tình trạng bệnh khá phổ biến ở phụ nữ. Bản thân u nang cũng có nhiều loại khác nhau. Có đến 90% u nang buồng trứng là lành tính và chỉ có khoảng 10% các u nang này có thể biến chứng thành ác tính. Vì thế, nếu bạn có u nang buồng trứng, hãy để ý theo dõi nó nhưng đừng để nó trở thành mối lo lắng quá mức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
4. Bị ung thư buồng trứng là hết thuốc chữa!
Thực tế: Có hiện tượng là một số bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng thì tỏ ra bi quan và kiên quyết không điều trị. Nhưng thực tế, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị và các liệu pháp điều trị sinh học mới có thể giúp nâng tỷ lệ sống sót lên tới 50%, hoặc chí ít có thể kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân thêm 3-4 năm tuổi đời quý giá và bệnh nhân có thể hoàn thành được rất nhiều việc mà chưa kịp làm.
5. Chẳng có cách nào để phòng tránh ung thư buồng trứng!
Thực tế: Một chế độ ăn uống và tập thể dục tốt, phù hợp có thể giúp mọi người giảm thừa cân và béo phì, phòng tránh ung thư buồng trứng và nhiều bệnh ung thư khác. Chế độ ăn được vị tiến sỹ này khuyến cáo là chế độ ăn Địa Trung Hải với thực đơn nhiều trái cây, rau tươi, cá và ngũ cốc. Việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, phù hợp với thể trạng và sức vóc có thể giúp giảm viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch. Mọi phụ nữ nên đảm bảo mức Vitamin D ở mức tối ưu, và hạn chế dùng thuốc tránh thai nội tiết tố để phòng bệnh ung thư buồng trứng.
Trong trường hợp trong gia đình có người bị mắc ung thư buồng trứng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về việc thực hiện tầm soát gene di truyền, xác nhận có mang gene gây ung thư buồng trứng hay không, và có biện pháp phòng ngừa từ sớm.
6. Tiêm vắc xin HPV có thể phòng bệnh ung thư buồng trứng và xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hàng năm có thể phát hiện ung thư buồng trứng!
Thực tế: Tiêm vắc xin HPV có thể giúp chống lại các chủng virus u nhú phổ biến ở người, tuy nhiên, nó lại không liên quan đến ung thư buồng trứng. Cũng như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung chỉ giúp phát hiện ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các kết quả xét nghiệm máu và siêu âm vùng chậu vẫn có thể cho kết quả chưa chính xác hoàn toàn. Các xét nghiệm mới giúp phát hiện ung thư buồng trứng vẫn đang được nghiên cứu và hi vọng sẽ sớm được phát hiện trong một tương lai gần.
Xem thêm: