Mỗi năm Việt Nam phát hiện mới hơn 4.100 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và 2.400 trong số họ tử vong do bệnh này, hầu hết đều do họ phát hiện bệnh khi đã quá muộn. Bệnh có thể điều trị khỏi, khi được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Ung thư cổ tử cung và virus HPV có mối quan hệ thế nào?
Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa tử cung và âm đạo, có chiều dài khoảng 5cm. Cổ tử cung có vai trò rất quan trọng, nó có nhiệm vụ đưa tinh trùng vào tử cung. Cổ tử cung có tính đàn hồi tuyệt vời, giúp phụ nữ có thể thực hiện được thiên chức sinh nở. Khi phụ nữ mang thai, cổ tử cung mỏng đi, mở rộng, báo hiệu bắt đầu thời kỳ mang thai. Nó có khả năng mở rộng tới 10 cm để em bé có thể trườn qua. Nhưng ngay sau đó không lâu, cổ tử cung có thể phục hồi lại tình trạng như lúc ban đầu.
Ngoài ra, nó còn có tác dụng ngăn chặn các loại vi khuẩn lây bệnh tấn công vào trong tử cung, được ví như một bức tường bảo vệ, chống lây truyền các bệnh qua đường tình dục và có thể dẫn đến vô sinh.
Y học đã chứng minh ung thư cổ tử cung có mối liên hệ mật thiết với virus HPV (human papillomavirus), là loại virus gây u nhú ở người. Có tới 99% trường hợp ung thư cổ tử cung là có liên quan tới virus HPV từ trước đó. Trong hơn 100 loại HPV thì có 2 loại được coi là có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao nhất là chủng 16 và 18 (chiếm tới gần 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Nhưng không phải cứ nhiễm HPV là đều sẽ bị ung thư cổ tử cung. Virus HPV thường cần một thời gian tương đối dài để chuyển biến sang giai đoạn tiền ung thư và ung thư trên tế bào ung thư cổ tử cung. Virus này có thể làm thay đổi tế bào ung thư cổ tử cung qua nhiều năm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nó có thể khiến tế bào chuyển biến sang ung thư.
Ung thư cổ tử cung ít gặp ở độ tuổi 20-30, ở độ tuổi 35-55 tuổi có khoảng 60%, 55-65 tuổi chiếm khoảng 20%, còn lại số ít là ở độ tuổi trên 65. Như vậy, có thể thấy rằng bệnh có thể xuất hiện trước và cả sau mãn kinh.
Ung thư cổ tử cung gồm hai thể là ung thư biểu mô dạng biểu bì hoặc ung thư biểu mô tuyến. Trong đó, ung thư biểu mô dạng biểu bì phổ biến nhất (hiếm 90-95%).
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung. Nhưng có nhiều yếu tố mang tính nguy cơ gây ra căn bệnh này, bao gồm:
- Thuốc lá: Từ lâu thuốc lá vẫn được coi là “hung thủ” gây ra nhiều các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe, trong đó có ung thư. Các chất độc hại trong khói thuốc góp phần phá hủy các tế bào bình thường và đẩy nhanh quá trình phát triển của tế bào ác tính.
- Quan hệ tình dục với nhiều người làm tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều chủng HPV khác nhau và có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao. Ngoài ra, quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều lần, cũng có thể lfa nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung.
- Thói quen vệ sinh cá nhân không đúng cách gây ra tình trạng viêm nhiễm cổ tử cung mãn tính, …cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Một số dấu hiệu nhận biết sớm ung thư cổ tử cung
Điều đáng tiếc là đa số các bệnh nhân bị mắc ung thư cổ tử cung đều phát hiện bệnh khi đã quá muộn. Những dấu hiệu của bệnh gần như không thể nhận biết được, mà chỉ có thể phát hiện qua việc thăm khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ.
Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung chỉ biểu hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Đến giai đoạn này, các triệu chứng ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Dịch âm đạo có màu bất thường: Dịch âm đạo bỗng dưng có màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu và gây ra mùi khó chịu, trường hợp này có thể phụ nữ đang gặp một số bệnh, có thể là viêm vòi trứng, hoặc ung thư cổ tử cung…
- Chảy máu bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh hoặc rong kinh. Lượng máu nhiều hay ít là tùy vào cơ địa của mỗi người.
- Đau vùng chậu: Những cơn đau bất thường xuất hiện ở vùng chậu hoặc đau khi giao hợp… có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao.
- Thiếu máu: do số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị giảm và được thay thế bằng các bạch cầu để đẩy lùi bệnh khiến bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị rơi vào tình trạng thiếu máu. Tình trạng này khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, giảm cân, cạn kiệt năng lượng.
- Bất thường trong tiểu tiện: Đi tiểu thấy có máu, đau thì nên đi khám ngay lập tức.
Lời khuyên của bác sĩ
Chị em phụ nữ muốn phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress bởi chúng là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.
Duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ là những biện pháp tốt nhất giúp chị em ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện can thiệp sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng các phương pháp tuỳ theo giai đoạn như đốt điện, cắt leep, khoét chóp, cắt cổ tử cung, cắt tử cung bảo tồn sinh sản, cắt tử cung tận gốc hay xạ trị tận gốc, hoá – xạ trị… Có tới 85-90% bệnh nhân điều trị bệnh ở giai đoạn đầu có thể trị khỏi.
Xem thêm:
Nguồn: dantri