6 lời khuyên giúp bạn tránh xa ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một trong những bệnh ác tính nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể kiểm soát được.

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục. Độ tuổi hay mắc là trung niên và người già. Nữ giới ít gặp hơn nhưng thường phát hiện ở giai đoạn muộn hơn và độ ác tính cao hơn so với nam giới.

I. Triệu chứng lâm sàng của ung thư bàng quang

Triệu chứng lâm sàng của ung thư bàng quang

  • Tiểu máu không đau xuất hiện ở khoảng 80% các trường hợp.
  • Triệu chứng kích thích đường tiết niệu: tiểu rắt, tiểu bí…
  • Đau bụng, sờ thấy khối vùng hạ vị.
  • Phù chi dưới.
  • Các triệu chứng toàn thân như gầy sút, xanh, nhợt…
  • Các triệu chứng của di căn xa: đau xương, ho…

Siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả phát hiện các tổn thương ở bàng quang; nhưng cần lưu ý là phải nhịn đi tiểu cho bàng quang căng lên.

Tuy vậy, siêu âm vẫn chưa phải là chẩn đoán quyết định u bàng quang, mà phải thông qua nội soi bàng quang chẩn đoán. Đây là thủ thuật đặt máy nội soi qua niệu đạo, có thể gây đau, khó chịu, xước niệu đạo hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Do vậy, chỉ khi siêu âm có u bàng quang hoặc nghi ngờ u, thì người bệnh mới được chỉ định nội soi bàng quang chẩn đoán quyết định.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính cũng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang vì có thể đánh giá được sự xâm lấn của khối u ra ngoài bàng quang, di căn hạch của ung thư bàng quang…

II. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang

  • Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn những người trẻ.
  • Đàn ông dễ bị ung thư bàng quang hơn phụ nữ.
  • Tiền sử gia đình có người mắc phải ung thư bàng quang .
  • Người đã bị ung thư bàng quang cũng có khả năng tái phát.
  • Những người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn 2 đến 3 lần so với những người không hút thuốc lá.

Nghề nghiệp dễ mắc ung thư như làm cao su, chất hóa học, da thuộc, thợ làm tóc, thợ kim khí, thợ in, thợ dệt, tài xế xe tải. Đây là những ngành nghề tiếp xúc thường xuyên với những chất sinh ung thư.

Ngoài ra, các bệnh lý viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn nhiều lần hoặc sử dụng ống thông đường tiểu lâu ngày cũng có thể gây nên ung thư bàng quang.

Quá trình điều trị phụ thuộc vào vị trí u và giai đoạn bệnh, nhưng chủ yếu là phẫu thuật, có thể kèm theo hóa xạ trị bổ trợ, liệu pháp sinh học hoặc các liệu pháp quang động học, miễn dịch.

III. 6 lời khuyên để phòng ngừa ung thư bàng quang

6 lời khuyên để phòng ngừa ung thư bàng quang

Để phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo cần thực hiện những điều sau:

  • Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
  • Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.
  • Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.
  • Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.

IV. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp tránh xa ung thư

Với một chế độ ăn khoa học, bạn có thể phòng ngừa hiệu quả ung thư bàng quang nói riêng và ung thư nói chung

a. Rau củ và trái cây

Rau và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần. Các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải xoăn và cải brussels có thể là tốt nhất vì chúng giàu chất chống oxy hóa. Quả mọng và trái cây họ cam quýt cũng là những lựa chọn tốt vì lý do này.

Rau và trái cây cũng cung cấp chất xơ, có thể hữu ích nếu bạn bị táo bón. Chất xơ rất cần thiết để giữ cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh.

b. Nguồn protein

Cung cấp đủ protein giúp duy trì khối lượng cơ và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Nguồn protein bao gồm thịt, gà, cá, trứng, đậu, đậu lăng, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt và sữa.

c. Chất béo lành mạnh

Chất béo cải thiện hương vị và kết cấu của thực phẩm. Cơ thể chúng ta cần chất béo để giúp hấp thụ một số vitamin, sản xuất hormone và sửa chữa các tế bào khắp cơ thể. Các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm cá, bơ, quả hạch, hạt, ô liu và dầu ô liu.

d. Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc nguyên hạt là các sản phẩm ngũ cốc chưa qua chế biến. Điều này có nghĩa là chúng vẫn chứa hầu hết các chất dinh dưỡng và chất xơ.

Xem thêm:

Nguồn: dantri.com.vn

0/5 (0 Reviews)