Ung thư cổ tử cung là gì, ai dễ mắc ung thư cổ tử cung, có thể sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung hay không, ung thư cổ tử cung có chữa được không … Đó là những câu hỏi thường gặp về căn bệnh “sát thủ thầm lặng” này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc thường gặp.
Theo số liệu thu thập được từ Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 500.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, con số cũng đáng báo động, trung bình có 7 phụ nữ tử vong, 14 ca mắc mới mỗi ngày. Và có đến 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời.
Việc trang bị những kiến thức về bệnh và cách phòng bệnh là một trong những cách để bảo vệ bản thân không bị “ngỡ ngàng” khi chẳng may bệnh ập đến với bản thân hay những người xung quanh.
1. Ung thư cổ tử cung – nỗi đau không của riêng ai
Có đến 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung do nhiễm virus HPV – Human Papillomavirus, bệnh phát triển sớm ở khu vực cổ tử cung sau đó lan rộng sang các bộ phận gần đó, cuối cùng di căn ra nhiều cơ quan khác của cơ thể. Tình trạng ung thư tế bào vảy và/hoặc ung thư tế bào tuyến là các tình trạng thường gặp với các bệnh nhân khi mắc phải căn bệnh quái ác này.
Bệnh ung thư cổ tử cung hầu như không khởi phát triệu chứng ở giai đoạn đầu mà thường âm ỉ phát triển qua một thời gian dài, khiến nhiều chị em không nhận biết được. Đối với người bình thường, bệnh sẽ phát triển trong khoảng thời gian từ 15-20 năm, nhưng với những người có hệ miễn dịch kém, thời gian tiến triển bệnh chỉ còn 5-10 năm.
Tiêm vắc xin HPV là một cách để phòng bệnh hiệu quả.
2 Ai dễ mắc ung thư cổ tử cung?
Mọi phụ nữ đều có thể mắc ung thư cổ tử cung, nhất là các phụ nữ trong độ tuổi từ 30-65 tuổi. Trong đó, phụ nữ ở độ tuổi 30-55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và giảm dần khi ở các độ tuổi từ 55-65 tuổi và 65-75 tuổi. Đáng lưu ý là bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa, mà nguyên nhân được xem là có liên quan đến một số thói quen không lành mạnh như: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thường xuyên, ít/lười vận động, vệ sinh cá nhân kém, sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên…
3. Ung thư cổ tử cung lây nhiễm qua những con đường nào?
Bệnh ung thư cổ tử cung không thể lây nhiễm từ người này qua người khác, nhưng HPV – thủ phạm gây ra ung thư cổ tử cung lại là virus có tính truyền nhiễm. Virus này có thể lây lan từ người này sang người khác ngay cả khi người mang virus chưa hề có dấu hiệu hay triệu chứng gì.
Vậy, HPV lây qua những con đường nào?
- Do quan hệ tình dục, da tiếp da, quan hệ với vùng kín của với người mang virus
- Tiếp xúc với quần áo, đồ lót, kìm bấm sinh thiết, bấm móng tay… của người mang virus
4. HPV không lây qua những con đường nào?
- Ôm hay nắm tay
- Ăn chung hoặc dùng chung bát đĩa
- Dùng chung bồn tắm hay hồ bơi
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được ung thư cổ tử cung có phải là bệnh di truyền hay không. Tuy nhiên, những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn những người không có tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
5. Có thể sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm không?
Mọi phụ nữ đều có thể và nên sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm, ngay từ độ tuổi 20 trở đi. Khi thực hiện sàng lọc sớm, bạn sẽ được khám sàng lọc và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc. Có 2 xét nghiệm thường được sử dụng nhất là xét nghiệm phết mỏng tế bào và xét nghiệm HPV. Cứ mỗi 2-3 năm, bạn nên thực hiện sàng lọc bệnh này một lần để có cơ hội phát hiện bệnh sớm nhất.
6. Hiệu quả của sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung sớm như thế nào?
Bệnh càng được phát hiện sớm thì khả năng chữa trị càng cho hiệu quả cao. Việc sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung giúp phát hiện virus HPV, phát hiện và kiểm soát tế bào ung thư sớm từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong. Theo kết quả từ Viện nghiên cứu City of Hope (California, Mỹ), nhờ tầm soát sớm, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung trong 4 thập kỷ qua đã giảm đến 50%.
Bên cạnh đó, các số liệu thống kê khác cũng cho thấy: nếu người mắc bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm ngay trong giai đoạn đầu thì có tới 95% có thể sống trên 5 năm. Hiệu quả điều trị bệnh sẽ giảm dần nếu người mắc bệnh được phát hiện trong các giai đoạn sau. Đến giai đoạn 4, bệnh nhân chỉ còn 15% cơ hội được điều trị thành công.
Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sớm thông qua sàng lọc sớm còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị bệnh và giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Chi phí cho sàng lọc bệnh sớm thường ít hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.
7. Trước khi đi tầm soát ung thư cổ tử cung cần lưu ý điều gì?
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung cần được tiến hành vào thời điểm thích hợp, đó là khoảng thời gian từ 3-5 ngày sau khi sạch kinh. Người thực hiện tầm soát không nên quan hệ tình dục từ 2-3 ngày trước đó và không nên đặt thuốc âm đạo trước khi đi.
Xem thêm: