Tết Tân Sửu có lẽ là một cái Tết khó quên bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Để đón Tết an toàn, mỗi người cần tự bảo vệ mình, ngoài việc tuân thủ các qui định chung (khẩu trang, sát khuẩn, giãn cách…) thì việc tăng cường hệ miễn dịch là rất cần thiết.
Dinh dưỡng cân bằng và hợp lý sẽ giúp cơ thể có hệ miễn dịch khỏe mạnh, đẩy lùi được các loại bệnh tật. Nhất là với mẹ bầu, đảm bảo dinh dưỡng trong suốt thai kỳ vốn đã rất quan trọng, trong giai đoạn dịch bệnh, càng cần phải cẩn thận hơn.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Việc đầu tiên cần ghi nhớ là chế độ dinh dưỡng hoàn hảo nhất là đảm bảo sự cân bằng với đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Luôn đảm bảo nạp đầy đủ chất đạm, để đảm bảo cung cấp cho sự phát triển của thai nhi lẫn mẹ bầu.
Các thực phẩm giàu chất đạm có giá trị cao: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, tôm, cua, trai, hến… Ngoài ra là các loại hạt giàu đạm như đậu tương, lạc, đậu hà lan…
Và để nâng cao sức đề kháng thì mẹ bầu cần ăn thường xuyên và đều đặn các loại hoa quả và rau xanh, đặc biệt là các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, giúp nâng cao miễn dịch cho cơ thể.
Một số loại rau xanh giàu vitamin được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên sử dụng như súp lơ, bắp cải, cải bó xôi, ớt chuông…
Ưu tiên các thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh, thường là có nguồn gốc từ cá và các hạt: vừng, lạc, dầu Oliu, … Hạn chế sử dụng chất béo no từ động vật: mỡ động vật, đặc biệt là mỡ từ nội tạng động vật…
Chất bột nên chiếm khoảng 55-60% khẩu phần ăn, mẹ bầu có thể sử dụng mỗi bữa 2 miệng bát cơm nhỏ vào các bữa trưa và tối, không nên ăn quá nhiều tinh bột và đường để phòng tránh tiểu đường thai kỳ.
Uống đủ 2-3 lít nước trong 1 ngày
Nước vô cùng quan trọng với quá trình trao đổi chất, và đào thải các chất có hại ra ngoài cơ thể. Với phụ nữ mang thai, thì việc đảm bảo đủ nước càng quan trọng.
Uống đủ nước không những giúp phụ nữ mang thai đảm bảo lượng nước ối bảo vệ thai nhi, mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu, hạn chế chứng trữ nước, gây ra tình trạng phù thường gặp ở nhiều bà bầu.
Các loại thực phẩm có tác dụng giảm viêm
Mỗi ngày bạn có thể dùng khoảng 3-5 tép tỏi, có thể được chế biến qua cách đập dập và cho vào xào nấu với các món ăn, lưu ý không nên xào nấu ở nhiệt độ quá cao, mà chỉ nên cho tỏi vào trước khi bắc khỏi bếp để giữ nguyên được tinh dầu trong tỏi.
Gừng không chỉ giúp mẹ bầu giảm bớt chứng buồn nôn do các cơn nghén, mà còn có tác dụng giảm viêm rất tốt, và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Mẹ bầu có thể sử dụng gừng làm gia vị trong các món ăn, hoặc pha trà gừng để uống.
Sữa chua
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng lưu ý tránh các loại sữa chua có nhiều đường. Bạn có thể dùng sữa chua không đường rưới với một chút mật ong, hoặc ăn cùng sữa chua với một số loại quả chín.
Ngoài việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân bằng, mẹ bầu có thể dùng các loại tinh dầu như mùi già, tràm trà, sả chanh, vỏ bưởi, vỏ chanh để xông trong phòng làm sạch không khí, hoặc pha vào nước lau nhà cửa, vật dụng để khử khuẩn, chống virus, vi khuẩn.
Song song với hỗ trợ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng, mẹ bầu cần nâng cao tinh thần phòng tránh dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ y tế và tổ chức y tế thế giới để ngăn ngừa lây nhiễm virus gây bệnh.