Bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc là một cột mốc thú vị đối với cha mẹ. Tuy nhiên, nó đi kèm với rất nhiều câu hỏi và mối quan tâm, đặc biệt là về dị ứng thực phẩm. Thực phẩm nào dễ gây dị ứng ở trẻ sơ sinh nhất? Làm thế nào để bạn phòng tránh dị ứng cho con yêu của mình? Hãy tham khảo bài viết này.
Một số kết quả nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau là an toàn và có thể giúp hệ thống miễn dịch giảm nguy cơ phát triển dị ứng thực phẩm.
I. Thử từng loại thực phẩm để xác định con có bị dị ứng hay không
Điều đầu tiên và quan trọng là bạn hãy cho bé làm quen với thức ăn mới dần dần, từng món một, để đề phòng trường hợp bé bị dị ứng với một thức ăn nào đó. Nếu cho trẻ thử quá nhiều loại thức ăn cùng một ngày, bạn có thể gặp khó khăn khi xác định đâu là thực phẩm khiến con bị dị ứng.
Loại thức ăn hoặc thứ tự thức ăn được giới thiệu cho bé không phải là vấn đề đáng lo ngại, miễn là thức ăn bạn cung cấp là lành mạnh và cân bằng cho bé. Mỗi lần bạn bổ sung một món mới vào thực đơn cho bạn, bạn nên đợi từ 3 – 5 ngày trước khi thêm một món mới khác.
II. 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất cho trẻ
Có hơn 160 loại thực phẩm gây dị ứng, một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng hơn những loại khác. Dưới đây là 8 loại thực phẩm và nhóm thực phẩm có thể gây ra 90% các vấn đề về phản ứng dị ứng.
- Sữa bò
- Trứng
- Lạc
- Các loại hạt cây (như: quả óc chó hoặc hạt hạnh nhân)
- Cá
- Động vật có vỏ
- Đậu nành
- Lúa mì
Các hướng dẫn dinh dưỡng mới của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết bạn vẫn có thể cho trẻ ăn những thực phẩm gây dị ứng này khi trẻ đã sẵn sàng ăn dặm. Không có bằng chứng nào cho thấy việc đợi cho đến khi trẻ lớn hơn sẽ ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Nếu bạn nghi ngờ rằng con bạn bị dị ứng với một loại thực phẩm, chẳng hạn như tiêu chảy, phát ban hoặc nôn mửa, hãy nói chuyện với bác sĩ của con bạn về những lựa chọn tốt nhất cho chế độ ăn uống.
Trong vòng vài tháng kể từ khi bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn hàng ngày của bé nên bao gồm nhiều loại thức ăn khác nhau, chẳng hạn như sữa mẹ, sữa công thức hoặc cả hai; các loại thịt; ngũ cốc; rau; trái cây; trứng; và cá.
III. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm cần theo dõi ở bé
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện rất sớm sau khi ăn – trong vòng vài phút đến vài giờ. Nếu bạn đang “giới thiệu” một loại thức ăn mới cho bé, hãy để ý những triệu chứng sau:
- Phát ban hoặc sưng đỏ
- Nổi mề đay
- Sưng mặt, lưỡi hoặc môi
- Nôn mửa và/hoặc tiêu chảy
- Ho hoặc thở khò khè
- Khó thở
- Mất ý thức
IV. Cần làm gì khi trẻ có triệu chứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng?
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây tử vong rất nhanh. Nếu em bé của bạn khó thở/thở khò khè, sưng tấy trên mặt/môi, hoặc nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng sau khi ăn, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa bé đi viện ngay.
Nếu bạn thấy các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như nổi mề đay hoặc phát ban, bạn hãy đưa con đến gặp bác sỹ để được khám và tư vấn. Bác sỹ có thể yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Xét nghiệm da: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách đặt chiết xuất chất lỏng của chất gây dị ứng thực phẩm lên cẳng tay hoặc lưng của con bạn, chích vào da và chờ xem các nốt đỏ nổi lên có hình thành trong vòng 15 phút hay không. Kết quả dương tính với một loại thực phẩm chỉ cho thấy rằng con bạn có thể nhạy cảm với loại thực phẩm đó.
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể IgE đối với các loại thực phẩm cụ thể
Hãy lưu ý rằng phản ứng dị ứng ban đầu của em bé đối với một loại thực phẩm mới có thể nhẹ, nhưng nó có thể trở nên tồi tệ hơn sau nhiều lần tiếp xúc. Vì vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về bất kỳ triệu chứng dị ứng thực phẩm nào ở trẻ.
Một số dị ứng thực phẩm có thể biến mất theo thời gian. Dị ứng trứng và sữa thường hết khi trẻ lớn hơn, nhưng dị ứng đậu phộng, hạt cây và động vật có vỏ thường sẽ kéo dài lâu hơn.
V. Dị ứng thực phẩm cũng có tính “di truyền”
Nếu trong gia đình có người bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, em bé của bạn cũng có nguy cơ bị dị ứng với loại thực phẩm đó cao hơn những đứa trẻ khác. Thường tỉ lệ dị ứng “di truyền” này vào khoảng 50%.
Tốt nhất là bạn nên “giới thiệu” dần dần 8 loại thực phẩm thường gây dị ứng ở người, trong khoảng thời gian từ 1-2 tuần để bạn có thể nhận ra nếu dị ứng phát triển và đánh giá tác động nguy hại cho bé.
VI. Phòng tránh dị ứng thực phẩm cho bé
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ hiện đang khuyến nghị rằng các chất gây dị ứng tiềm ẩn nên được giới thiệu cho trẻ sơ sinh của bạn từ sớm, bạn không cần phải đợi bé lớn mới thử. Bởi, việc cho bé thử làm quen với thực phẩm từ sớm cũng có nghĩa là giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa sớm trường hợp trẻ bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó.
Cho con bú sữa mẹ trong 4-6 tháng là cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng sữa. Hãy nhớ rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Khi bắt đầu cho trẻ dùng sữa nguyên kem, bạn nên chú ý hơn một chút. Sữa chua và phô mai mềm cũng rất tốt cho trẻ vì protein trong các sản phẩm được chế biến từ sữa này đã được phân hủy và ít gây ra các vấn đề về dạ dày.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh có nguy cơ bị dị ứng cao với lạc, nên cho trẻ làm quen với lạc khi trẻ được ít nhất 4 tháng tuổi và tốt nhất là sau 6 tháng tuổi. Những trẻ bị chàm hoặc dị ứng với trứng hoặc cả hai cũng có nguy cơ dị ứng với lạc cao hơn những trẻ bình thường khác.
Các chất gây dị ứng tiềm ẩn khác như hạt cây và cá nên được giới thiệu trong một khoảng thời gian khi bạn cho bé ăn thức ăn đặc, từ 6 đến 9 tháng
Riêng với mật ong, bạn nên đợi trẻ được ít nhất 1 tuổi mới cho trẻ sử dụng, vì mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh./.