Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền thường gặp nhất trên Thế giới. Hơn nữa, người bị tan máu bẩm sinh cần có chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ sức khỏe cũng như không khiến bệnh nặng nề hơn. Mẹ bầu mắc bệnh Thalassemia nên ăn gì và kiêng gì là tốt nhất?
I. Tan máu bẩm sinh là bệnh gì?
Thalassemia là bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Bệnh tồn tại với nhiều thể khác nhau, thể nhẹ không có biểu hiện bệnh và thể nặng với các biểu hiện của thiếu máu, phải truyền máu định kỳ nếu không sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm do thiếu máu gây ra như suy tim, chậm lớn, lách to…
Ngoài thiếu máu, người bị Thalassemia còn thường xuyên bị quá tải sắt. Tình trạng dư thừa sắt dẫn đến tích tụ sắt trong tim, gan, tuyến yên, buồng trứng, tinh hoàn dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng của những cơ quan này.
II. Bà bầu mắc bệnh Thalassemia nên ăn gì và kiêng gì?
Do thường xuyên gặp phải tình trạng quá tải sắt nên chế độ ăn của mẹ bầu nên hạn chế sắt để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, chế độ ăn của mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
1. Bà bầu mắc bệnh Thalassemia nên ăn gì?
Những món ăn tốt cho bà bầu mắc bệnh tan máu bẩm sinh gồm:
- Thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng tốt đối với sức khỏe, có khả năng chống lại các chất oxy hóa có hại, giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Với những mẹ bầu bị bệnh Thalassemia, bổ sung thực phẩm giàu vitamin E như dầu hạnh nhân, quả bơ, dầu đậu nành… giúp tăng khả năng đáp ứng với thuốc điều trị tăng sinh hồng cầu.
- Thực phẩm giàu canxi
Bổ sung nhiều canxi giúp hạn chế khả năng hấp thu sắt và giảm nguy cơ tích tụ sắt dư thừa, tình trạng rất thường gặp ở bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh. Bên cạnh đó, canxi còn giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, ngăn ngừa tình trạng đau lưng, đau hông, chuột rút ở bà bầu.
Những thực phẩm giàu canxi mẹ bầu nên bổ sung thường xuyên gồm: trứng gà, các loại hạt, các loại đậu, hải sản…
- Rau củ quả tươi
Rau xanh, trái cây là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Thường xuyên ăn rau xanh, trái cây sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt, hoạt động như những chất chống oxy hóa tự nhiên, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do bệnh Thalassemia gây nên.
- Sữa và chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp hàm lượng lớn protein và canxi, rất cần thiết đối với mẹ bầu. Những bệnh nhân trẻ mắc Thalassemia thường bị thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu canxi và rối loạn hấp thu sắt nên rất cần bổ sung nguồn dinh dưỡng phù hợp.
Những sản phẩm từ sữa tốt cho mẹ bầu gồm: sữa tươi, sữa chua, sữa ít béo, kem… Mẹ nên bổ sung chúng vào thực đơn ăn uống hằng ngày để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt cho cơ thể, đồng thời cũng giúp kiểm soát hấp thu sắt tốt hơn.
- Trà, cà phê
Các thức uống như trà, cà phê có khả năng hạn chế sự hấp thu sắt của cơ thể. Đây là điều rất cần thiết đối với mẹ bầu bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Trong đó, trà xanh chứa nhiều chất có khả năng kiểm soát hàm lượng sắt của cơ thể nên mẹ có thể uống trà xanh mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ nên uống lượng vừa phải, không uống quá nhiều thay thế cho nước lọc.
2. Bà bầu mắc bệnh Thalassemia nên kiêng gì?
Bà bầu bị Thalassemia chỉ cần kiêng những thực phẩm giàu sắt và thực phẩm có khả năng tăng hấp thu sắt của cơ thể. Còn lại, mẹ có thể ăn uống đầy đủ những thực phẩm khác như người bình thường.
- Thực phẩm giàu sắt
Sắt là chất rất cần thiết đối với sức khỏe, nhất là với mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, với mẹ bầu mắc bệnh Thalassemia việc bổ sung sắt lại không được khuyến khích. Vì vậy, mẹ cần tránh những thực phẩm giàu sắt như:
- Hải sản: cá, ngao, sò, trai, hến…
- Thịt: thịt cừu, thịt bò, thịt ngan, gan động vật…
- Rau củ: khoai tây, đậu lăng, rau ngót, củ cải…
- Thực phẩm làm tăng hấp thu sắt
Có một số thực phẩm tuy không chứa nhiều sắt nhưng lại có khả năng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu bị Thalassemia, nhất là những người trẻ tuổi.
Vì thế, mẹ nên hạn chế những thực phẩm này để không gây hại cho sức khỏe. Chúng gồm:
- Hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, ổi, nho…
- Thực phẩm lên men như dưa cà muối, bia, đậu nành lên men..
Ngoài những lưu ý trong chế độ ăn uống, mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tập luyện thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe và hãy tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh để phát hiện nguy cơ thai nhi có mắc bệnh hay không. Nếu em bé chỉ mang gen bệnh thì sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng nếu em bé bị bệnh thể nặng thì nhiều trường hợp cần phải đình chỉ thai nghén từ sớm vì Thalassemia thể nặng có những biểu hiện rất rõ ràng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ, thậm chí còn đe dọa tính mạng bé sau khi được sinh ra.
Vì vậy, mẹ bầu mang gen bệnh hoặc bị bệnh nên chủ động sàng lọc trước sinh để có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh.