Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4 là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở mẹ bầu. Điều này khiến không ít mẹ bầu băn khoăn lo lắng, không biết tình trạng này do nguyên nhân nào gây ra, có thể khắc phục được không.
Mang thai chắc hẳn là khoảng thời gian thú vị nhất trong đời của nhiều người phụ nữ, vừa phấn khởi vì có một thiên thần nhỏ đang lớn dần trong bụng mình, vừa trải nghiệm nhiều điều khác lạ vì cơ thể sẽ liên tục thay đổi. Nhưng đôi khi, một số tình huống cũng sẽ khiến các mẹ bầu lo lắng vì không biết điều này là bình thường hay bất thường. Trong số đó phải kể đến tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4, một hiện tượng rất phổ biến ở nhiều mẹ bầu.
I. Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4 có nguy hiểm không?
Mẹ bầu thường cảm thấy bụng mình căng dần ra trong suốt cả thai kỳ, không chỉ riêng tháng thứ 4. Đây thường là cảm giác bình thường và không gây nhiều nguy hiểm nên không cần quá lo lắng về chúng. Tuy nhiên, để xác định lý do cụ thể gây căng bụng thì phải phụ thuộc vào những triệu chứng kèm theo và khoảng thời gian mang thai. Do đó, một số nguyên nhân sau có thể gây ra bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4 gồm:
1. Đau dây chằng tròn
Đau dây chằng tròn được xem là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, khi cơ thể đang cố gắng để tiếp tục thích nghi với quá trình mang thai. Ở thời điểm này, các cơ và dây chằng sẽ phải căng ra hơn để tử cung có thể mở rộng và tạo cho em bé có đủ không gian để phát triển. Các cơn đau dây chằng này có thể kéo dài từ vùng bụng hoặc vùng hông đến háng và gây ra những triệu chứng như:
-
Bụng căng cứng
-
Cơ thể đau nhức
-
Các cơn đau buốt khi chuyển đổi tư thế như cúi xuống, đứng dậy sau khi ngồi quá lâu
2. Táo bón
Đây là một vấn đề rất phổ biến trong suốt thai kỳ do sự thay đổi hormone làm chậm tốc độ thức ăn đi qua đường tiêu hóa và ở lại lâu hơn trong ruột. Ngoài ra, khoáng chất sắt trong một số loại viên uống bổ sung vitamin trước khi sinh cũng có thể làm cứng phân và khó đi vệ sinh hơn. Tình trạng táo bón khi mang thai không chỉ khiến một số mẹ bầu cảm thấy bụng như thắt lại, cứng hơn mà còn có thể gây ra các cơn đau như chuột rút hoặc đau như có đinh ghim vào bụng.
3. Cơn co thắt Braxton Hicks
Đa số mẹ bầu bắt đầu cảm thấy tử cung co thắt và siết chặt trong tam cá nguyệt thứ hai, cụ thể là từ tháng thứ 4 thai kỳ. Chúng được gọi là cơn co thắt Braxton-Hicks hay còn gọi chuyển dạ giả hoặc các cơn co thắt thực hành. Một số hành động sau có thể gia tăng cơn co thắt bao gồm:
- Quan hệ tình dục hoặc đạt cực khoái
- Mất nước
- Bàng quang bị đầy
- Em bé đá mạnh
Các cơn co thắt Braxton-Hicks là bình thường, nhằm mục đích giúp tử cung chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh nở dễ dàng hơn. Nhiều nghiên cứu cho rằng, các cơn đau này cũng giúp bụng căng ra, làm săn chắc cơ tử cung và thúc đẩy lưu lượng máu đến nhau thai. Mặt khác, mẹ bầu nên lưu ý một vài điểm sau để phân biệt các cơn co thắt Braxton-Hicks với cơn co thắt chuyển dạ:
- Cơn đau thường kéo dài khoảng 30 đến 60 giây nhưng lâu nhất là 2 phút
- Không gây nhiều đau đớn mà chỉ hơi khó chịu cho mẹ bầu
- Xảy ra không thường xuyên, không thể đoán trước và cũng không theo nhịp điệu nào cả
- Không tăng tần suất, thời lượng hoặc cường độ
- Khi cơn đau giảm dần thì biến mất, rồi lại xuất hiện lại vào một thời điểm khác trong tương lai.
Mẹ bầu nên làm gì để giảm tình trạng căng cứng bụng?
Nhìn chung, căng cứng bụng không phải là một tình trạng đáng quan ngại và cũng không cần có liệu trình điều trị cụ thể, mà chỉ cần mẹ bầu thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt là có thể thuyên giảm. Sau đây là một số gợi ý dành cho mẹ bầu:
- Uống một cốc nước lớn khi bị đau và nằm xuống trong vài phút. Biện pháp này vừa giúp phòng ngừa tình trạng mất nước, vừa giúp hoạt động tiêu hóa của mẹ bầu được trơn tru hơn.
- Mẹ bầu không nên nhịn tiểu vì bàng quang căng đầy cũng dễ khiến các cơn co thắt Braxton-Hicks xảy ra.
- Thử thay đổi tư thế khi nằm xuống hoặc đứng lên vì đôi khi vị trí của cơ thể có thể gây áp lực lên tử cung và khiến bụng căng cứng hơn.
- Ngồi trong bồn nước ấm hoặc tắm vòi sen có thể giúp thư giãn các cơ mệt mỏi hoặc đau nhức, bao gồm cả tử cung.
- Việc dùng sữa ấm hoặc trà thảo mộc ấm vừa giúp cơ thể thư giản vừa cung cấp nước cho cơ thể.
- Duy trì thói quen tập thể dục khi mang thai có thể giúp đẩy khí hư ra ngoài và làm thuyên giảm tình trạng táo bón.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ và chia nhỏ các bữa ăn cũng giúp tiêu hóa tốt hơn và tình trạng táo bón giảm đi đáng kể.
- Với các mẹ bầu thường xuyên bị căng cứng bụng, việc hạn chế quan hệ tình dục là một cách có thể thử để giảm tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4. Dẫu biết rằng chuyện vợ chồng sẽ mang đến một số lợi ích cụ thể cho mẹ bầu nhưng có thể vô tình ảnh hưởng đến tử cung, gây ra các cơn co thắt và khiến bụng căng cứng hơn.
Bên cạnh sử dụng các biện pháp giảm đau tự nhiên, mẹ bầu cũng nên theo dõi tình trạng của cơ thể và đến khám bác sĩ khi có những triệu chứng sau:
- Bị chảy máu âm đạo
- Có những cơn co thắt mạnh mỗi năm phút và kéo dài 30-60 giây
- Bụng căng cứng liên tục và xuất hiện nhưng cơn đau buốt không thuyên giảm
- Bất kỳ vấn đề nào về chuyển động.
Xem thêm: