Sinh non bao gồm hai dạng chính là sinh non tự phát và sinh non do bác sĩ chỉ định để hạn chế rủi ro thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân sinh non, tình trạng này có thể là do nhau thai, bệnh mãn tính của mẹ, nhiễm trùng… Thế nhưng, có không ít các trường hợp sinh con sớm xảy ra một cách tự nhiên đôi khi vẫn không xác định được nguyên nhân.
Trên thực tế, thời điểm sinh con của mỗi lần mang thai là không giống nhau. Điều này có nghĩa là dù trước đó mẹ sinh bé đủ tháng thì chưa chắc lần sinh tiếp theo cũng vậy. Do đó, việc tìm hiểu các nguyên nhân gây sinh non hoặc các yếu tố nguy cơ là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp mẹ thảo luận tốt hơn với bác sĩ về kế hoạch sinh nở. Sau đây là những nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ sinh non phổ biến, được chia thành 6 nhóm chính để mẹ theo dõi, tìm hiểu dễ dàng hơn.
I. Nguyên nhân sinh non liên quan đến quá trình mang thai hoặc thai nhi
Nếu mẹ đã từng sinh non trước đây, điều này thường có nguy cơ lặp lại ở lần sinh con tiếp theo. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân sinh non khác liên quan đến thai nhi hoặc quá trình mang thai của bạn, bao gồm:
1.1. Khoảng cách giữa hai lần mang thai dưới 6 tháng
Các nghiên cứu cho thấy rằng bạn có thể tăng nhẹ nguy cơ sinh non nếu lần mang thai này cách lần mang thai trước đó dưới 6 tháng. Điều này có thể do tử cung của mẹ chưa hồi phục hoàn toàn và sẵn sàng cho việc mang thai lần nữa quá sớm. Mặt khác, một số mẹ áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng dễ sinh non hơn so với bình thường.
1.2. Bạn mang thai đôi hay đa thai
Mẹ mang thai đôi hoặc thai ba thường tăng nguy cơ sinh non trước 37 tuần. Mẹ bầu có thể được chỉ định dùng một loại thuốc gọi là corticosteroid để giúp phổi của em bé phát triển nhanh hơn. Từ đó giúp giảm các biến chứng liên quan đến sinh non, giúp em bé chào đời khỏe mạnh hơn.
1.3. Hội chứng truyền máu song thai (Twin-to-twin transfusion syndrome – TTTS)
Hội chứng truyền máu song thai có thể xảy ra khi mẹ mang song thai cùng trứng và hai em bé có chung nhau thai. Lúc này, cả hai em bé sẽ có chung nguồn cung cấp máu. Đôi khi sự phân phối máu giữa hai thai nhi không đồng đều khiến lượng máu cung cấp cho một đứa trẻ được truyền sang trẻ còn lại qua nhau thai.
Điều này nghĩa là một em bé nhận được quá nhiều máu sẽ dẫn đến huyết áp cao hơn bình thường. Trong khi em bé còn lại nhận được quá ít máu dẫn đến huyết áp thấp, thiếu dinh dưỡng và oxy. Truyền máu song thai là hội chứng rất hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Hội chứng này có thể gây sinh non hoặc thậm chí là gây tử vong cho thai nhi nếu không được bác sĩ can thiệp kịp thời.
1.4. Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung
Thai nhi chậm tăng trưởng là tình trạng em bé có kích thước nhỏ hơn so với tiêu chuẩn chung tính theo tuổi thai. Điều này cũng có thể hiểu là sự phát triển của thai nhi bị chậm lại hoặc nguy hiểm hơn là dừng lại. Đây là tình trạng có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ nên cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Mẹ bầu có thể được chỉ định sinh sớm hơn để hạn chế rủi ro.
II. Nguyên nhân sinh non liên quan đến các vấn đề của tử cung
2.1 Cổ tử cung ngắn có thể là nguyên nhân sinh non
Việc cổ tử cung ngắn lại trong quá trình mang thai có thể cảnh báo nguy cơ sinh non. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không xác định được vì sao xảy ra vấn đề này. Tuy nhiên, nếu cổ tử cung của bạn từng bị tổn thương do sinh nở hoặc điều trị bệnh lý nào đó thì có thể khiến cổ tử cung trở nên yếu hơn hoặc ngắn hơn bất thường.
Điều này có thể dẫn đến chuyển dạ sớm. Do đó, nếu được chẩn đoán cổ tử cung ngắn, bác sĩ thường đề xuất sản phụ khâu cổ tử cung hoặc điều trị bằng hormone để ngăn nguy cơ sinh non.
2.2 Dị dạng, bất thường ở tử cung
Tử cung có hình dạng bất thường trước khi sinh sẽ được xem là dị dạng. Hình dạng và mức độ dị dạng của tử cung sẽ khiến mẹ bầu có nhiều nguy cơ sinh non. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ không biết tử cung của mình có hình dạng bất thường cho đến khi kiểm tra nguyên nhân sẩy thai hoặc vô sinh.
Tìm hiểu thêm Bất thường ở tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
III. Nguyên nhân gây sinh son do nhau thai bất thường
3.1 Nhau bám thấp
Nhau thai bám thấp nghĩa là nhau thai bám ở đoạn dưới tử cung và có thể che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Cụ thể, nếu nhau thai cách cổ tử cung dưới 20 mm sẽ được xem là nhau bám thấp. Mặt khác, nếu nhau thai che phủ toàn bộ cổ tử cung sẽ được gọi là nhau tiền đạo. Cả hai trường hợp này đều làm tăng nguy cơ sinh non, thường là can thiệp y khoa do biến chứng xuất huyết trong 3 tháng cuối.
3.2 Nhau bong non
Đây là tình trạng mà bánh nhau bong sớm một phần hoặc hoàn toàn khỏi thành tử cung trước khi bé ra đời vì nguyên nhân nào đó. Các triệu chứng điển hình của nhau bong non bao gồm đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo và xuất hiện các cơn co thắt, tim thai rối loạn kiểu đe doạ hoặc thậm chí mất tim thai.
Nhau thai là bộ phận giúp truyền dưỡng chất từ mẹ sang em bé. Do đó, sản phụ gặp phải tình trạng nhau bong non rất dễ sinh non hoặc nghiêm trọng hơn là trẻ có thể tử vong từ trong bụng mẹ, gây các biến chứng lên sức khỏe thai phụ. Đối với trường hợp nhau bong non xảy ra, giải pháp là phải chấm dứt thai kỳ ngay tức khắc để ngăn ngừa rủi ro.
IV. Nguyên nhân gây sinh non liên quan đến các vấn đề của nước ối
4.1 Nguyên nhân sinh non vì dư thừa nước ối
Đa ối (Polyhydramnios) hay còn gọi là tình trạng dư thừa nước ối có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ. Việc có quá nhiều nước ối khiến tử cung căng quá mức nên cũng dễ gây sinh non. Tuy nhiên, các kết quả chẩn đoán đa ối không phải lúc nào cũng mang tính nghiêm trọng. Mẹ vẫn có thể ngăn ngừa rủi ro bằng cách đi khám thai đầy đủ và tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe từ bác sĩ. Hiện nay, hầu hết em bé đều được sinh ra khỏe mạnh dù mẹ bị đa ối trong thai kỳ.
4.2 Vỡ ối non
Vỡ ối non là tình trạng ối vỡ trước khi chuyển dạ, xảy ra khi thai nhi vẫn chưa đủ 37 tuần. Khoảng 50% phụ nữ bị vỡ ối non sẽ chuyển dạ chỉ trong 1 tuần sau đó. Hơn nữa, mẹ bầu với tuổi thai càng lớn càng có nguy cơ chuyển dạ sớm khi bị vỡ ối non. Có thể nói, vỡ ối non dẫn đến sinh non là tình trạng khá phổ biến. Vì vậy, nếu mẹ phát hiện vỡ ối thì cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.
V. Nguyên nhân gây sinh non do tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý
5.1 Nguyên nhân sinh non do mẹ bị tiền sản giật
Tiền sản giật là sự rối loạn đa cơ quan mà biểu hiện thường là sự kết hợp của huyết áp tăng và protein trong nước tiểu của mẹ bầu (protein niệu). Tiền sản giật thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ. Nếu nghiêm trọng bác sĩ có thể đề xuất mẹ sinh con sớm hơn dự kiến nhằm đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và thai.
5.2 Tiểu đường thai kỳ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn so với mẹ có chỉ số đường đường huyết ổn định. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng. Nếu được chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt mức đường huyết thì mẹ vẫn trải qua thai kỳ khỏe mạnh và sinh con thuận lợi.
5.3 Ứ mật thai kỳ (Intrahepatic cholestasis of pregnancy – ICP)
Ứ mật thai kỳ có triệu chứng đặc trưng là khiến mẹ bầu bị ngứa dữ dội, nước tiểu màu đậm và vàng da. Đây là một dạng rối loạn gan thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba mà không có cách nào điều trị ngoài viện chấm dứt thai kỳ. Do đó, bác sĩ thường đề xuất mẹ sinh sớm bằng phương pháp mổ hay khởi phát chuyển dạ thay vì chờ đợi chuyển dạ tự nhiên để ngăn ngừa biến chứng.
VI. Nguyên nhân sinh non liên quan đến nhiễm trùng
6.1 Nhiễm trùng tử cung
Một số vi khuẩn như E. coli, liên cầu khuẩn nhóm B có thể xâm nhập vào tử cung và gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, một số bệnh lý như viêm âm đạo do vi khuẩn, chlamydia, trichomona, bệnh lậu, giang mai và HIV đều có thể ảnh hưởng đến tử cung. Mẹ mắc một những bệnh lý này trong thai kỳ thường có nguy cơ sinh non.
6.2 Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu còn gọi là nhiễm trùng tiểu có thể gây sinh non nếu không được điều trị. Mặc dù đây không phải là trường hợp khẩn cấp nhưng mẹ cũng không nên chủ quan. Nhiễm trùng tiểu cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh rủi ro cho mẹ và bé.
Ngoài những nguyên nhân sinh non kể trên, chị em cần lưu ý đến một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến mẹ dễ sinh non như tuổi tác cao, thừa cân, tâm lý căng thẳng, uống rượu bia, hút thuốc, từng sảy thai, nạo phá thai nhiều lần… Có thể nói, hầu hết các thói quen có hại cho sức khỏe đều là yếu tố khiến mẹ dễ sinh non. Vì vậy, cách tốt nhất là mẹ nên thay đổi theo hướng tích cực nếu có lối sống không lành mạnh, cùng với đó là luôn khám thai đúng lịch – đầy đủ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và sinh con thuận lợi nhé!
Nguồn: HelloBacsi