“Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người bị ung thư vú” – Đây là thống kê có khả năng gây hoang mang cho nhiều người của Hiệp hội Ung thư Mỹ ACS. Nhưng điều còn gây hoang mang hơn chính là rất nhiều người đang hiểu lầm về căn bệnh này.
Trong những năm gần đây, ung thư vú cùng với các bệnh ung thư khác trở thành làn sóng đe dọa sức khỏe và sinh mệnh của nhiều người ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Những hiểu biết hạn chế về bệnh càng làm gia tăng những lo lắng, căng thẳng.
Dưới đây là tổng hợp một số hiểu nhầm về bệnh ung thư vú phổ biến hiện nay.
Bạn nghĩ: Ung thư vú là bệnh di truyền
Chưa hoàn toàn chính xác. Chỉ có 5-10% bệnh nhân mắc ung thư vú là do di truyền. Còn 90-95% các trường hợp khác là do đột biến gen mắc phải. Do đó, nếu gia đình bạn có tiền sử có người mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt là mẹ, hay chị em gái mắc căn bệnh này ở độ tuổi dưới 50, bạn cần được khám sàng lọc, xét nghiệm để ung thư vú ngay từ độ tuổi 25 trở đi. Còn những người không có tiền sử gia đình có người mắc bệnh, vẫn nên kiểm tra sàng lọc hàng năm từ độ tuổi 45 trở đi.
Bạn nghĩ: Mọi khối u ở vú đều là ung thư vú
Không chính xác. Thực tế có tới 80-85% số trường hợp khối u được phát hiện ở vú là lành tính. Đó là các u nang hoặc u sợi tuyến vú không gây ung thư. Nhưng lại có khoảng 10% người bị chẩn đoán ung thư vú mà không có khối u nào, hay những dấu hiệu bất thường ở vú.
Bạn nghĩ: Ung thư vú chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi
Không chính xác. Thực tế ung thư vú thường xảy ra ở phụ nữ trên 65 tuổi nhưng theo dữ liệu thì Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, có 7% số ca mắc ung thư vú là phụ nữ dưới 40 tuổi. Do đó, bất kỳ bạn nữ nào trên 20 tuổi và nhận thấy một số bất thường ở vùng ngực thì nên đi kiểm tra.
Ung thư vú không chỉ xảy ra ở phụ nữ. Nam giới cũng có nguy cơ mắc ung thư vú, tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều.
Bạn nghĩ: Bị ung thư ở một bên vú, bên còn lại rồi cũng mắc
Không hoàn toàn chính xác. Mặc dù, ung thư vú có thể tái phát ở bên còn lại nhưng không phải tất cả mọi người đều bị tái phát. Với những phụ nữ không mang gene ung thư vú (BRCA1 hoặc BRCA2), sẽ có ít hơn 5% bị bệnh ung thư ở vú bên còn lại. Tuy nhiên, nếu ai đó mang gene ung thư vú thì nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều.
Bạn nghĩ: Phụ nữ ngực nhỏ ít bị ung thư vú
Không chính xác. Ung thư vú thường phát triển trong tế bào tại ống dẫn hoặc tiểu thùy – nơi sản xuất sữa và vận chuyển sữa tới núm vú. Thực tế, số lượng các bộ phận này ở phụ nữ là giống nhau. Và ngực to hay nhỏ không hề có liên quan đến khả năng mắc ung thư vú.
Bạn nghĩ: Cho con bú gây ra ung thư vú
Sai hoàn toàn. Thực tế, phụ nữ không sinh đẻ, không nuôi con bằng sữa mẹ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ. Chính việc cho con bú không chỉ giúp con có một nguồn dinh dưỡng tốt nhất mà còn giúp làm giảm nhẹ các nguy cơ mắc căn bệnh quái ác này ở người mẹ.
Bạn nghĩ: Sử dụng lăn khử mùi gây ung thư vú
Chưa có kiểm nghiệm. Dù chất Parabens được tìm thấy trong lăn khử mùi có khả năng gây ung thư nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa nào đưa ra kết luận khẳng định sử dụng lăn khử mùi sẽ gây ra ung thư vú.
Bạn nghĩ: Sử dụng thuốc tránh thai có thể gây ung thư vú
Chưa có kiểm nghiệm. Dù thuốc tránh thai có chứa một hàm lượng nhỏ estrogen nhưng đến nay, vẫn chưa có bằng chứng xác thực nó là nguyên nhân gây ung thư vú cho phụ nữ.
Bạn nghĩ: Chụp X-quang tuyến vú làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Không chính xác. Có một số người cho rằng chính bức xạ từ quá trình chụp X-quang là nguyên nhân gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, Hiệp hội Hóa học Mỹ khẳng định nguy cơ tổn hại từ bức xạ chụp X-quang rất rất nhỏ – gần như bằng 0, nó không là gì so với tác dụng giúp phát hiện nguy cơ mắc căn bệnh này. Do đó, Hiệp hội này khuyến cáo rằng mọi phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp X-quang tuyến vú hàng năm để dự phòng khả năng mắc bệnh hoặc giúp phát hiện bệnh sớm, từ khi chưa di căn và có thể điều trị được.
Xem thêm: