Hóa trị là liệu pháp tiêu diệt tế bào ung thư, song liệu pháp này cũng có thể tiêu diệt một số tế bào khỏe mạnh và gây ra một số tác dụng phụ như chán ăn, suy giảm miễn dịch, mệt mỏi, khô miệng và loét họng. Vì vậy, bệnh nhân hóa trị cần có một chế độ ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
1. Bệnh nhân hóa trị nên uống đủ nước
Bệnh nhân hóa trị trong quá trình điều trị ung thư rất cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể để loại bỏ độc tố, và các thuốc hóa trị. Viện Ung thư Quốc gia (NCI) Mỹ khuyên nên uống từ 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày cho những người đang điều trị ung thư.
Có thể đảm bảo đủ lượng nước bằng nước lọc hoặc loại nước giải khát khác như nước ép hoa quả, nước dừa, nước canh, trà thảo dược … để bảo vệ thận và bàng quang trong thời gian hóa trị. Không nên uống nước trong khi ăn, mà nên uống trước hoặc sau ăn khoảng 1 giờ.
2. Bệnh nhân hóa trị nên tăng cường vitamin C từ trái cây và rau quả.
Các loại hoa quả như cam, chanh, bưởi, hay rau củ quả chứa nhiều vitamin C, các loại hoa quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, làm giảm cảm giác thèm ăn.
Cà rốt rất phổ biến trong mọi chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư. Nó có chứa hợp chất thực vật, có thể làm cho hóa trị liệu hiệu quả hơn. Hợp chất này cũng được tìm thấy trong rau mùi tây.
3. Bệnh nhân hóa trị nên tăng cường protein
Quá trình điều trị hóa trị, các cơ quan trong cơ thể bị tổn hại, các cơ bắp bị hút kiệt. Do đó, cần cùng cấp đủ lượng protein để tái cấu trúc và sửa chữa da, lông, tóc, cơ và các cơ quan bị tổn hại. Cung cấp đủ lượng đạm cũng sẽ đảm bảo đủ lượng calo hằng ngày cho cơ thể. Bệnh nhân trong quá trình hóa trị ung thư nên chọn lựa các loại protein nạc như trứng, cá, đậu phụ, thịt gà, để giúp bổ sung cơ bắp cho cơ thể.
Nếu bệnh nhân bị cảm giác khô miệng – một trong những tác dụng phụ của hóa trị, thì có thể uống nước hầm thịt, xương, hoặc làm ẩm cơm bằng cách trộn cơm với nước hầm, nước sốt thịt, giúp cho bữa ăn dễ dàng hơn.
4. Bệnh nhân hóa trị nên sử dụng các sản phẩm từ sữa
Sữa và sữa chua là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho bệnh nhân hóa trị. Trong trường hợp bệnh nhân bị loét miệng, khó nhai nuốt, thì caramen là một gợi ý hay, đó là một món ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa mềm, dễ nuốt dành cho người bệnh.
5. Những lưu ý khác dành cho bệnh nhân hóa trị
- Bệnh nhân trong giai đoạn hóa trị hệ tiêu hóa yếu hơn, cần ăn những loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, có thể xay nhuyễn thực phẩm để bữa ăn được dễ dàng hơn.
- Mặt khác, nếu bệnh nhân bị táo bón, cần uống nhiều nước, và ăn thức ăn có nhiều chất xơ không hòa tan, chẳng hạn như bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
- Mất cảm giác thèm ăn là một trong những tác dụng phụ của hóa trị. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thay đổi các thức ăn cũng như công thức chế biến mới để bệnh nhân bớt cảm giác chán ăn và đáp ứng đủ nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.
- Vận động nhẹ nhàng nếu có thể để giảm bớt cảm giác mệt mỏi và tăng cảm giác thèm ăn
- Tránh ăn nhiều thực phẩm ngọt, chiên xào nhiều dầu mỡ, hoặc quá nhiều gia vị.
Xem thêm: