Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng tích tụ mảng bám (cholesterol bám đọng) trong động mạch tim. Sự tích tụ này có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu và trong một số trường hợp có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. CAD có nhiều khả năng phát triển ở những người trên 60 tuổi có tiền sử gia đình mắc bệnh.
CAD là loại bệnh liên quan đến tim mạch phổ biến nhất. Nó còn được gọi là bệnh tim mạch vành hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo CDC Hoa Kỳ, khoảng 18,2 triệu người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên, tương đương khoảng 6,7% dân số mắc bệnh CAD. Người già từ 65 tuổi trở lên, cứ 10 ca mắc bệnh CAD thì có 2 ca tử vong do bệnh.
CAD do nhiều nguyên nhân gây nên. Các yếu tố như béo phì, tăng huyết áp, tăng lipit máu (cholesterol cao) cũng là những tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó là nguyên nhân di truyền. Ước tính có tới 40-60% các ca bệnh CAD có thể là do di truyền. Những người có tiền sử gia đình có nhiều khả năng mắc bệnh CAD hơn khoảng 1,5 lần so với những người bình thường khác.
I. Tiền sử gia đình ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh CAD như thế nào?
Bạn được coi là có tiền sử gia đình nếu bệnh tim sớm xuất hiện ở những người thân cấp một trước 55 tuổi ở nam hoặc 65 ở nữ. Người thân cấp một ở đây là cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái. Khoảng 1/3 bệnh nhân CAD có người thân cấp một mắc bệnh.
Nhờ giải trình tự gen quy mô lớn, giờ đây các nhà khoa học có thể xác định các biến thể gen phổ biến ở những người mắc bệnh CAD. Tính đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 60 biến thể gen cụ thể có thể liên quan đến nguy cơ phát triển CAD. Theo một đánh giá năm 2021, con số đó đã tăng lên hơn 200 biến thể. Các biến thể này có ảnh hưởng tới kiểm soát huyết áp và xử lý lipid (chất béo) trong máu, ví dụ như cholesterol.
Tuy nhiên, có những biến thể gen này trong cơ thể không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh CAD, mà nó chỉ có nghĩa là nguy cơ rủi ro mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. Việc bạn có thực sự mắc bệnh hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến lối sống, chế độ sinh hoạt của bản thân.
II. Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh CAD
Bên cạnh việc có người thân cấp một mắc bệnh CAD, một số yếu tố khác có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Là phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh
- Là đàn ông trên 45 tuổi
- Bị huyết áp cao
- Có nồng độ cholesterol cao
- Hút thuốc
- Thừa cân hoặc béo phì
- Mắc bệnh tiểu đường
III. Một số câu hỏi thường gặp
1. Bố mẹ tôi mắc bệnh động mạch vành thì tôi có bị không?
Di truyền học không cho câu lời chắc chắn về tình trạng bệnh lý của bạn mà chỉ là căn cứ để xác định các yếu tố rủi ro, nguy cơ mắc bệnh của bạn. Cha mẹ bạn mắc bệnh động mạch vành không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh theo. Tuy nhiên, nếu một hoặc cả hai cha mẹ (hoặc những người thân cấp 1 khác) mắc bệnh động mạch vành sớm, thì nguy cơ bạn mắc bệnh này sẽ cao hơn.
2. Tôi bị bệnh động mạch vành thì bệnh có di truyền cho con tôi không?
Việc bạn có di truyền lại bệnh động mạch vành cho con không không thể trả lời chắc chắn là Có hay Không được. Kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng CAD có khả năng di truyền từ 40-60%, vì vậy bạn có thể di truyền bệnh sang con cái của mình.
3. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh động mạch vành nếu nó di truyền trong gia đình tôi?
Xây dựng một lối sống và thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh để thể giúp ngăn ngừa, làm giảm nguy cơ hoặc trì hoãn sự khởi phát của các bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh tim. Cụ thể:
- Ngủ đủ giấc
- Tăng cường các hoạt động thể chất
- Có chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp, ít rượu bia và chất béo bão hòa
Bác sỹ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền nếu bạn có người thân cấp một mắc bệnh CAD sớm và bạn có lượng cholesterol cao hoặc có yếu tố nào đó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
4. Xét nghiệm di truyền có thể phát hiện bệnh động mạch vành không?
Xét nghiệm di truyền có thể giúp bạn dự liệu nguy cơ phát triển CAD, nhưng không thể giúp đưa ra chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, việc hiểu về các nguy cơ di truyền bệnh sẽ giúp bạn đánh giá rủi ro và có những biện pháp can thiệp sớm để làm giảm hoặc trì hoãn sự phát triển bệnh./.
Xem thêm: