Mẹ Mít là một bà mẹ trẻ, đã có hai bé một trai, một gái rất đáng yêu. Bé Mít 3 tuổi và bé Ong 15 tháng. Hai bé đều rất thông minh, khỏe mạnh, đáng yêu. Mẹ Mít vốn là một biên tập viên truyền hình trẻ đẹp, năng động. Hiện tại, mẹ Mít dành nhiều thời gian hơn cho hai bé, và thực hiện các dự án cá nhân. Hai em bé đáng yêu, bụ bẫm chính là động lực to lớn để mẹ Mít chia sẻ kinh nghiệm tới các bố mẹ, với mong muốn đóng góp những thông tin hữu ích cho các bố mẹ đang lên tinh thần đón thiên thần nhỏ đáng yêu chào đời. |
Khi có kế hoạch mang thai, cần có sự chuẩn bị kỹ càng các chị em nhé!
Chào các mẹ! Mình là mẹ Mít, mình chỉ là một bà mẹ bình thường như bao bà mẹ khác. Với tất cả những trải nghiệm và những kinh nghiệm mình đã dày công học hỏi, tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, đặc biệt là có sự hỗ trợ tuyệt vời từ bác Thủy Bi – chị gái mình, là bác sỹ chuyên khoa Sản, rất mong những chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các mẹ đang mang thai, hoặc đang lên kế hoạch mang thai.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, không phải chỉ bắt đầu từ thời điểm biết mình mang thai mới bắt đầu chăm sóc sức khỏe, mà các mẹ cần có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ trước khi mang thai nhé ạ! Dưới đây là một số những điều cần làm mẹ Mít xin được tổng hợp lại:
Hãy lên một chế độ ăn uống, luyện tập thật tốt khi có ý định sinh em bé
Biết được điều này là nhờ có bác Thủy Bi (tên Bi là tên từ nhỏ gia đình thường gọi) – chị ruột của mẹ Mít, bác là bác sĩ chuyên khoa Sản, nên luôn đưa ra cho mình những định hướng tốt nhất.
Trước ngày cưới, bác gọi mình sang ngủ với bác một đêm, hai chị em thủ thỉ tới gần sáng. Bác dặn dò đủ thứ, và đặc biệt nhấn mạnh, khi có kế hoạch sinh em bé, là phải có sự chuẩn bị thật cẩn thận, kỹ càng. Mẹ Mít và ba Mít có lợi thế, là cả hai cùng còn trẻ, và khỏe mạnh. Tuy vậy, chúng mình cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, cũng hay có thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn, ăn uống không đúng giờ, thích ăn ngoài hàng quán, đồ ăn nhanh…
Sau khi nghe bác Bi nói, và đọc thêm các tài liệu, mẹ Mít hiểu rằng, một cơ thể khỏe mạnh sẽ tạo ra chất lượng trứng, chất lượng tinh trùng tốt nhất. Đặc biệt là với cơ thể của mẹ, việc lên một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh, điều chỉnh lối sống, luyện tập thường xuyên mẹ nên thực hiện trước khi có kế hoạch mang thai tầm 1—3 tháng, để đảm bảo sẵn sàng đủ dưỡng chất cho thai nhi ngay từ những tuần thai đầu tiên.
Chế độ ăn nói chung cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất như sắt, calci, vitamin và khoáng chất,… hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, nước ngọt nhân tạo, … và tránh xa các loại cà phê, rượu bia, chất kích thích độc hại… theo khuyến cáo của Bộ Y tế: https://ncov.moh.gov.vn/-/bo-y-te-khuyen-cao-ve-dinh-duong-cho-phu-nu-mang-thai-trong-dich-covid-19
Không thể bỏ qua khám sức khỏe trước khi mang thai
Điều này là vô cùng quan trọng đấy các mẹ ạ. Thế hệ chúng ta khác thế hệ trước rất nhiều ở chỗ chúng ta có thể chủ động hơn với kế hoạch trong tương lai của mình, nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ khoa học, công nghệ.
Nghe nhiều người nói: “con cái là lộc trời cho”, hay “người tính không bằng trời tính”, nhưng thực tế thì mình chủ động được bao nhiêu, thì sắc xuất rủi ro càng giảm bớt bấy nhiêu các mẹ ạ. Quyết không để mình bị rơi vào trạng thái “hên xui”, “liều ăn nhiều”, mẹ Mít cần lên chi tiết kế hoạch cho thế hệ tương lai của gia đình, cũng như của đất nước.
Phải nói là mẹ Mít cũng thật may mắn vì luôn có bác Bi đồng hành từ những ngày đầu tiên, và ba Mít là người rất cầu thị, luôn sẵn sàng lắng nghe, hợp tác. Chúng mình cũng có nhiều bạn bè, người thân sinh sống và học tập ở nước ngoài, thì đều biết rằng, việc khám sức khỏe trước khi mang thai, hay các xét nghiệm tiền hôn nhân là điều vô cùng quan trọng.
Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai, ba mẹ Mít đã cùng khám sức khỏe tổng quát, trong đó có khám kỹ càng với bác sĩ sản khoa để đánh giá chức năng sinh sản, thực hiện các xét nghiệm tiền hôn nhân. Để đi vào chi tiết một số phần này, mẹ Mít xin được chia sẻ ở những phần sau.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh
Nếu bạn chưa từng nghe tới các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, có thể bạn sẽ thấy nó hơi phức tạp. Nhưng đây là một xét nghiệm rất quan trọng.
Xét nghiệm sàng lọc sẽ cho chúng biết được những rủi ro tiềm ẩn trong gen di truyền của cả hai vợ chồng, để có biện pháp ngăn ngừa, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Bởi theo như mẹ Mít tìm hiểu được, không có bộ gen nào trong chúng ta là hoàn hảo cả. Đôi khi, những khiếm khuyết trong gen di truyền của cả hai vợ chồng bạn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé tương lai.
Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ để có thể được tư vấn và chọn lựa xét nghiệm phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của chính mình.
Đừng quên uống vitamin bổ sung dinh dưỡng các mẹ nhé
Chắc chắn bạn đã từng nghe ở đâu đó nói rằng, axit folic là một loại dinh dưỡng rất cần thiết với trẻ em. Nhưng nó cần thiết như thế nào? ở giai đoạn nào cần đặc biệt chú ý bổ sung? Thì không nhiều người biết.
Vì sao trước khi có ý định mang thai khoảng 1-3 tháng, bạn cần bổ sung axit folic cũng như các loại vitamin ngay? Bởi vì những tuần đầu tiên của thai kỳ, là thời điểm mà thai nhi đã bắt đầu hình thành các cơ quan của cơ thể: tim, phổi, gan, thận, xương sống, não… bạn sẽ không thể biết được chắc rằng, khi nào bạn bắt đầu đậu thai, do vậy, nếu không bổ sung ngay từ trước, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ mất khoảng thời gian vô cùng quý báu này.
Việc bổ sung axit folic đầy đủ trong giai đoạn đầu của thai kỳ sẽ giúp bạn ngăn ngừa dị tật đốt sống, một loại dị tật khá phổ biến ở thai nhi, như tật nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới v.v.. hoặc nặng nề hơn như dị dạng thai vô sọ v.v… Nghe thật đáng sợ phải không ạ?
Uống thuốc một cách cẩn thận
Ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm này, các mẹ cần thật cẩn thận khi dùng thuốc. Nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe: cảm cúm, ho, nhức đầu, đau bụng, … mẹ cũng cần đi khám, tham khảo ý kiến bác sĩ để đề phòng việc ảnh hưởng của các loại thuốc đến thai nhi.
Nếu bạn đang sử dụng bất kì loại thuốc điều trị nào từ trước đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhằm đảm bảo các thuốc này an toàn để sử dụng trước và trong thời kỳ mang thai. Nếu có thể, bạn nên tránh uống thuốc trong giai đoạn này, tuyệt đối không uống thuốc bừa bãi, không theo đơn của bác sĩ.
Trong thời gian mẹ Mít đang “thả” để chờ đậu thai, có một hôm đi gió về bị ho, mẹ Mít định uống thuốc mà cứ đắn đo mãi, cuối cùng quyết tâm chỉ ngậm siro chanh đào mật ong. May quá, tháng sau đi khám thì đã có Mít rồi.
Tiêm vắc xin trước khi có kế hoạch mang thai
Việc tiêm phòng vắc xin tiền sản này đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rồi đó các mẹ à. Nên chúng ta cần lưu ý. Trước hết là tiêm phòng các mũi vắc xin phòng cúm, sởi – quai bị-rubella, thủy đậu,…
Giai đoạn mang thai là lúc cơ thể phụ nữ trở nên yếu hơn, dễ bị tác động và tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhiễm bệnh trong giai đoạn này nếu không điều trị tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ và 3 tháng cuối.
Đơn cử như rubella là bệnh truyền nhiễm có khả năng diễn biến phức tạp. Nếu mắc phải trong thời kỳ mang thai sẽ có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, bà bầu có thể bổ sung các mũi tiêm vắc xin trong thai kỳ cần thiết theo tư vấn của bác sĩ sau khi thăm khám.
Vậy là mẹ Mít cũng đưa ra những việc cần làm trước khi mang thai cho các mẹ. Mẹ Mít đã thực hiện các bước này một cách khá là nghiêm túc, và bây giờ nghĩ lại vẫn không hề hối tiếc một chút nào. Con cái là tài sản quý giá nhất. Vì vậy, đầu tư một chút để ngay từ đầu con đã có điều kiện tốt nhất để phát triển, từ khi còn là một mầm sống, thì tại sao lại không các bố mẹ thân yêu nhỉ?
(Theo lời kể của mẹ Mít)