Thời điểm giao mùa, mẹ bầu rất dễ bị mắc cúm. Cúm có thể là bệnh thông thường, có thể khỏi sau vài ngày nhưng lại có nhiều trường hợp mẹ bầu bị cúm lại để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Vậy bà bầu mắc cúm có đáng lo ngại không, có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không?
I. Vì sao mẹ bầu dễ bị cúm?
Ai cũng có thể mắc cúm, thậm chí bị cúm nhiều lần trong năm, nhất là vào những thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết. Mẹ bầu là đối tượng dễ bị mắc cúm hơn những đối tượng khác.
Nguyên nhân là do khi mang thai cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm hơn bình thường nên rất dễ bị virus tấn công gây bệnh. Ngoài ra, hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai cũng yếu hơn nên khó chống lại được virus và hệ quả là rất dễ bị cúm, ho, cảm lạnh…
II. Mẹ bầu mắc cúm có đáng lo ngại?
Cúm là một bệnh thông thường, đôi khi có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cơ thể mẹ bầu nhạy cảm và yếu hơn người bình thường nên đôi khi bệnh sẽ diễn tiến nặng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi.
1. Đối với mẹ bầu
Với người bình thường, bệnh cúm thường kéo dài khoảng 3-4 ngày. Tuy nhiên, với mẹ bầu, cúm có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn. Nếu không được điều trị sớm, cúm có thể biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi.
Đáng lo ngại hơn, cúm ở bà bầu có thể dẫn đến nhiễm trùng máu gây viêm não, viêm màng não, giảm huyết áp… rất nguy hiểm. Biến chứng này ít gặp nhưng vẫn có nguy cơ nên mẹ bầu không được chủ quan xem nhẹ.
2. Đối với thai nhi
Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ bầu, bệnh cúm có thể tác động xấu đến thai nhi do virus cúm xâm nhập qua nhau thai và gây hại cho bé.
Khi mẹ bầu mắc cúm, nhất là trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh và một vài khiếm khuyết khác trên cơ thể. Bên cạnh đó, bị cúm trong 5 tháng đầu thai kỳ thì não bộ thai nhi cũng dễ bị tổn thương hơn, có thể dẫn đến rối loạn tâm thần khi em bé được sinh ra.
Thậm chí, nhiều trường hợp bị cúm mẹ bầu có thể bị sốt cao thì độc tính của virus sẽ gây kích thích co bóp tử cung dẫn đến sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Đây là những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh cúm ở bà bầu.
Cúm khi mang thai khá nguy hiểm nhưng đôi khi cũng không quá đáng lo nên tốt nhất mẹ hãy đi khám nếu bị cúm để có thể an tâm hơn.
III. Bị cúm khi mang thai, mẹ bầu nên làm gì?
Cúm có thể được điều trị khỏi rất đơn giản nhưng cũng có thể biến chứng nặng nên mẹ bầu cần lưu ý khi bị cúm. Những lúc này mẹ cần thực hiện nghiêm túc những việc dưới đây:
1. Không tự ý dùng thuốc
Cúm có thể không đáng lo nhưng nếu uống thuốc cúm sai cách lại có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh, thậm chí đe dọa tính mạng thai nhi nên khi bị cúm mẹ hãy đi khám để nghe bác sĩ tư vấn, không được tự ý mua thuốc về uống.
2. Ăn uống đầy đủ
Không chỉ khi bị cúm mà ngay cả khi khỏe mạnh mẹ bầu cũng cần ăn uống đầy đủ và cân bằng các loại dinh dưỡng, nhất là canxi, sắt, DHA, acid folic, các loại vitamin… để mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt.
Nếu bị cúm, mẹ nhất định phải ăn uống đầy đủ, bổ sung nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng, giúp nhanh chóng đẩy lùi bệnh.
3. Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Khi bị cúm, mẹ bầu rất mệt mỏi. Vì vậy, hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào có thể, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh, nhanh hồi phục bệnh.
Nếu đã bị cúm mà thiếu ngủ thì tình trạng bệnh càng nặng nề và lâu khỏi hơn, đồng thời cũng dễ dẫn đến biến chứng hơn.
4. Khám bác sĩ
Cúm mặc dù là bệnh thông thường nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm với cả mẹ bầu và thai nhi nên mẹ không được chủ quan, tốt nhất nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị an toàn, hiệu quả.
5. Khám thai định kỳ
Nếu đã bị cúm mẹ bầu nên thực hiện khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong đó, xét nghiệm NIPT là xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn có độ chính xác cao nhất và an toàn nhất, thực hiện ở tuần thai sớm nhất, được các chuyên gia khuyến nghị thực hiện. Trong trường hợp bị dị tật thai nhi nghiêm trọng do biến chứng của cúm, mẹ bầu có thể sẽ đứng trước lựa chọn đình chỉ thai nghén sớm để đảm bảo con sinh ra được khỏe mạnh, không mắc dị tật nặng nề. Vì vậy, mẹ nên khám thai thường xuyên để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất từ bác sĩ chuyên khoa cũng như đưa ra biện pháp xử trí kịp thời nếu gặp biến chứng.
IV. Biện pháp phòng ngừa cúm cho mẹ bầu
Mẹ bầu rất dễ mắc cúm nhưng nếu biết cách phòng ngừa từ sớm thì mẹ cũng loại bỏ được nguy cơ mắc bệnh lý này.
Hãy áp dụng những biện pháp sau để ngừa cúm:
- Tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Đây được đánh giá là phương pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất hiện nay giúp mẹ bầu tránh được nguy cơ mắc cúm trong suốt thai kỳ.
- Hãy tránh xa các nguồn lây nhiễm cúm, không tiếp xúc gần với những ai đang mắc hoặc nghi ngờ mắc cúm để không bị lây nhiễm.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Thời tiết giao mùa mẹ nên giữ ấm vùng cổ, ngực, nhất là khi ra ngoài, cần mặc ấm và đeo khẩu trang.
- Nên tắm nước ấm, không được tắm nước lạnh vì làm tăng nguy cơ mắc cúm hơn.
Chủ động phòng ngừa cúm từ sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.