Tỷ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam ta ngày càng tăng mạnh, đến mức báo động đỏ, khiến người dân chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như tầm soát ung thư.
Theo Tổ chức ung thư toàn cầu, số người ung thư mới mắc tại Việt Nam từ 165.000 ca vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020. Đây là một con số thực sự đáng báo động.
1. Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là việc sử dụng các phương pháp y học phù hợp để kiểm tra tình trạng các tế bào của cơ thể để xác định xem có bất thường hay có khả năng bị ung thư trong thời gian gần tới hay không.
Tầm soát ung thư thường được thực hiện khi cơ thể chưa có dấu hiệu nào của ung thư. Việc tầm soát trước giúp dự phòng và phát hiện sớm ung thư để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
2. Ý nghĩa của việc tầm soát ung thư
Tầm soát ung thư cũng giống như việc chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của con người. Khi tầm soát sớm sẽ phát hiện được bệnh ngay từ giai đoạn tiền ung thư, khả năng chữa khỏi là rất cao.
Ngược lại, nếu không tầm soát, chỉ khi có biểu hiện bệnh rõ ràng mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, việc điều trị rất khó khăn, thậm chí không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị chỉ giúp kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân. Vừa khó khăn mà lại rất tốn kém.
Chủ động tầm soát ung thư có thể tốn kém nhưng so với việc không tầm soát, khi bệnh nặng mới lo chữa thì còn tốn kém hơn rất nhiều và sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.
3. Những ai nên tầm soát ung thư?
Tầm soát ung thư không quy định đối tượng mà bất kỳ ai, kể cả nam hay nữ, già hay trẻ cũng đều có thể thực hiện tầm soát ung thư. Đây là biện pháp chăm sóc sức khỏe chủ động được khuyến khích nên thực hiện định kỳ.
Đặc biệt, có một số nhóm đối tượng nên thực hiện tầm soát ung thư sớm do họ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người bình thường khác. Bao gồm:
- Người có người thân bị ung thư.
- Người vừa trải qua thời gian dài điều trị bệnh bằng thuốc, xạ trị hoặc hóa trị.
- Người trong nhóm độ tuổi có khả năng cao mắc ung thư (trên 30 tuổi).
4. Khi nào nên tầm soát ung thư?
Tùy mỗi loại ung thư mà thời gian nên đi tầm soát cũng khác nhau. Dưới đây là thời gian nên đi tầm tầm soát của một số bệnh ung thư thường gặp nhất hiện nay:
a. Ung thư vú
Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo Globocan, năm 2020, ở Việt nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong do ung thư vú.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú từ 40 tuổi. Những đối tượng có nguy cơ cao như tiền sử gia định có người bị ung thư vú thì nên đi tầm soát sớm hơn.
Tầm soát ung thư vú thường được thực hiện các bước gồm khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh, chụp cộng hưởng từ. Trong đó, chụp nhũ ảnh là phổ biến nhất. Phụ nữ trên 55 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm hoặc 2 năm một lần để phát hiện sớm bất thường.
b. Ung thư cổ tử cung
Đây cũng là loại ung thư phổ biến ở nữ giới. Có hai loại xét nghiệm được sử dụng chủ yếu để tầm soát ung thư cổ tử cung là xét nghiệm phết tế bào pap smear và xét nghiệm HPV.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên bắt đầu thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung khi được 21 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi 21 – 29 nên làm xét nghiệm pap smear 3 năm một lần; từ 30 – 64 tuổi nên làm xét nghiệm pap smear 3 năm một lần và xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Hoặc cũng có thể kết hợp thực hiện cả hai xét nghiệm trên mỗi năm một lần là tốt nhất.
c. Ung thư phổi
Ung thư phổi không cần phải tầm soát phổ biến như các loại ung thư khác. Các chuyên gia khuyến cáo nam giới từ 55-80 tuổi nên tầm soát nếu thường xuyên hút thuốc lá.
Phương pháp tầm soát ung thư phổi được sử dụng đó là chụp cắt lớp vi tính liều thấp.
d. Ung thư đại trực tràng
Các chuyên gia của Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng từ tuổi 45. Phương pháp tầm soát chủ yếu là thực hiện xét nghiệm tìm dấu hiệu ung thư trong phân hoặc qua nội soi đại trực tràng.
e. Ung thư tuyến tiền liệt
Đây là ung thư thường gặp ở nam giới. Theo các chuyên gia, nam giới từ 50 tuổi nên chủ động tầm soát ung thư tuyến tiền liệt để kiểm tra sức khỏe và phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Nếu gia đình có tiền sử bị ung thư tiền liệt tuyến từ 65 tuổi trở lên thì nam giới nên bắt đầu tầm soát bệnh lý này từ 45 tuổi và nếu người thân bị ung thư tiền liệt tuyến sớm, từ 60 tuổi thì năm giới nên tầm soát khi được 40 tuổi.
Bên cạnh việc tầm soát ung thư sớm, mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe bằng việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, rượu bia, đồng thời tập luyện thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
Việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh vừa giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, vừa hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiến triển nhanh cũng như hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Xem thêm: