Cho con bú có làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú không?

Cho con bú có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư vú. Và có rất nhiều cách khác đưa bạn đi xa hơn khỏi vùng ảnh hưởng của căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính rằng cứ 8 phụ nữ thì có 1 người, khoảng 13%, sẽ được chẩn đoán ung thư vú vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

Cho con bu co lam giam nguy co mac ung thu vu khong 01

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào trong vú bắt đầu phát triển và phân chia không kiểm soát, có khả năng lây lan sang các vùng khác của cơ thể. Điều này có thể xảy ra do lỗi ngẫu nhiên khi các tế bào trong cơ thể phân chia, hoặc có thể do di truyền từ cha mẹ. Một số yếu tố liên quan đến lối sống và môi trường cũng có thể thúc đẩy những thay đổi về di truyền.

Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú, nhưng có một số điều có thể làm giảm nguy cơ của bạn. Cho con bú là một ví dụ.

1. Cho con bú làm giảm nguy cơ ung thư vú như thế nào?

Kết quả của một nghiên cứu khoa học từ năm 2002 có liên quan đến dữ liệu từ 47 nghiên cứu khác trên 30 quốc gia cho thấy nguy cơ ung thư vú giảm 4,3% sau mỗi 12 tháng cho con bú.

Cho con bu co lam giam nguy co mac ung thu vu khong 02

Nuôi con bằng sữa mẹ cũng có lợi cho những người có nguy cơ cao bị ung thư vú, chẳng hạn như những người có một số thay đổi về gen. Một nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy rằng việc cho con bú ít nhất một năm có liên quan đến việc giảm 32% rủi ro ở những người có thay đổi gen BRCA1.

Một số nghiên cứu từ năm 2015 và 2019, đã phát hiện ra rằng việc cho con bú có thể phòng tránh bệnh ung thư vú âm tính với thụ thể hoóc môn.

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác tại sao phụ nữ cho con bú có thể giúp phòng tránh căn bệnh ung thư vú quái ác. Dường như sự kết hợp của các yếu tố sau đây có khả năng đưa phép màu này xảy ra:

  • Cho con bú thúc đẩy những thay đổi trong các tế bào vú có thể làm cho ung thư vú ít xảy ra hơn.
  • Những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời gian cho con bú có thể làm chậm kinh nguyệt trở lại. Trong thời gian cho con bú, bạn tiếp xúc với ít estrogen hơn, nhờ đó làm giảm nguy cơ ung thư vú.
  • Có nhiều khả năng những người đang cho con bú sẽ lựa chọn lối sống lành mạnh, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống cân bằng, không uống rượu và không hút thuốc.

2. Những câu hỏi thường gặp về việc cho con bú và ung thư vú

  • Bạn cần cho con bú bao lâu để có được nhiều lợi ích nhất?

Những người cho con bú lâu hơn một năm nhận được nhiều lợi ích nhất.

  • Bạn cho con bú và vẫn có thể bị ung thư vú đúng không? Nó phổ biến như thế nào?

Bạn cho con bú và vẫn có thể bị ung thư vú. Tuy nhiên, căn bệnh này thường ít xuất hiện trong những năm sinh nở của bạn. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết: Ung thư vú ở phụ nữ dưới 40 tuổi được ước tính chỉ chiếm 4% số ca chẩn đoán ung thư vú xâm lấn mới vào năm 2022.

Bị ung thư vú khi đang cho con bú cũng rất hiếm. Theo nghiên cứu năm 2012, người ta ước tính rằng chỉ có 3% phụ nữ bị ung thư vú khi đang cho con bú.

  • Có con nhưng không cho con bú có giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú không?

Câu trả lời là Có, nguy cơ ung thư vú có xu hướng giảm theo số lần sinh. Điều này còn phụ thuộc vào loại ung thư vú có thể mắc phải.

3. Những biện pháp phòng tránh ung thư vú khác

Ngoài việc cho con bú sữa mẹ, mọi phụ nữ có thể thực hiện các biện pháp sau đây để phòng tránh ung thư vú:

a. Duy trì hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú cũng như một số bệnh ung thư khác. Nó cũng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn.

Cho con bu co lam giam nguy co mac ung thu vu khong 03

Một chế độ hoạt động thể chất được người Mỹ khuyến nghị cho mọi phụ nữ là 150 – 300 phút/ tuần tập thể dục cường độ vừa phải, 75 – 150 phút/ tuần tập thể dục cường độ mạnh hoặc kết hợp tương đương của hai loại bài tập.

b. Kiểm soát cân nặng của cơ thể

Thừa cân, béo phì có liên quan chặt chẽ đến nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư vú. Do đó, nếu bạn đang ở trong tình trạng này, có thể liên hệ với các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp.

c. Hạn chế tối đa rượu bia

Uống rượu bia, đặc biệt là uống quá nhiều rượu bia, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và cũng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Để giảm nguy cơ của bạn, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, hoặc cắt bỏ hoàn toàn. Nữ giới chỉ nên uống tối đa 1 ly rượu/ ngày.

d. Cân nhắc việc sử dụng thuốc có liên quan đến hoóc môn

Việc sử dụng một số loại thuốc có liên quan đến hoóc môn như thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hoóc môn cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú của bạn. Nếu bạn phải dùng những loại thuốc này, hãy tìm hiểu kỹ về những ưu – nhược điểm của những loại thuốc này và lựa chọn thay thế (nếu có).

e. Thực hiện xét nghiệm di truyền

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, hãy tìm đến bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa về gen để được tư vấn, xét nghiệm di truyền, để sớm biết rằng liệu bạn có những thay đổi về gen làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh hay không. Nếu có, bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn các biện pháp phòng ngừa khác như dùng thuốc hoặc phẫu thuật./.

Xem thêm:

 

 

 

0/5 (0 Reviews)