Ngày nay, ung thư đã trở thành vấn đề “nóng” không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng gia tăng. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn nên tự trang bị cho mình một số cách phòng chống ung thư.
I. Các con số báo động về bệnh ung thư
Trong gần một thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ người bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng cao bất thường. Theo thống kê từ tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 125.000 người Việt nhận được kết quả chẩn đoán dương tính với ung thư. Đáng báo động hơn, con số này đã đạt đến mức 165.000 vào năm 2018.
Ung thư là căn bệnh đáng sợ với những đặc trưng như:
- Khả năng di căn đến nhiều bộ phận trên cơ thể
- Gây đau đớn và chèn ép các cơ quan
- Khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi vì sự phát triển của khối u đã lấy đi gần hết năng lượng mà cơ thể tạo ra
- Bệnh nhân bị suy nhược cơ thể do chán ăn, tác dụng phụ từ những liệu trình điều trị ung thư
- Nguy cơ tử vong cao (trung bình mỗi năm khoảng 94.000 ca tử vong)
Ung thư đang là một trong những thách thức lớn của nền y học trong thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, phòng ngừa ung thư là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
II. Nguyên nhân dẫn đến ung thư
Ung thư có khả năng xuất hiện ở mọi lứa tuổi với nhiều loại khác nhau, ví dụ như: ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư nội mạc tử cung, ung thư phổi… Các yếu tố môi trường cũng như thói quen sinh hoạt là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng
- Bệnh nhiễm trùng
- Tiếp xúc với hóa chất quá nhiều (thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…)
- Phóng xạ
Dù là một căn bệnh nguy hiểm nhưng thực tế, có rất nhiều cách phòng tránh ung thư, chẳng hạn như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hoạt động thể chất thường xuyên. Vậy chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa các bệnh ung thư?
III. 7 cách phòng ngừa ung thư
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu về những cách phòng chống ung thư trên Internet. Tuy nhiên, đôi khi chúng sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối, vì một phương pháp cụ thể có thể được đề xuất trong bài báo khoa học nhưng lại bị bác bỏ trong một nghiên cứu khác.
Dù các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm và phát triển những cách phòng ngừa ung thư tối ưu nhất có thể, bạn cần hiểu rõ một điều rằng, lối sống là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến nguy cơ xuất hiện ung thư. Do đó, nếu bạn quan tâm đến việc làm thế nào để phòng ngừa ung thư hiệu quả, hãy bắt đầu với việc thay đổi những thói quen sinh hoạt theo chiều hướng tích cực.
1. Không hút thuốc
Dù bạn sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, chẳng hạn như thuốc lào, thuốc lá Shisha… thì chúng đều có nguy cơ gây đột biến tế bào. Hút thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, miệng, cổ họng, thanh quản, tuyến tụy, bàng quang, cổ tử cung và thận.
Ngoài ra, nhai thuốc lá còn liên quan đến ung thư khoang miệng và tuyến tụy. Ngay cả khi bạn không trực tiếp sử dụng thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc cũng được xem là hút thuốc lá gián tiếp và cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Để phòng ngừa ung thư, cách tốt nhất là bạn nên tránh xa thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ về những sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá và một số kế hoạch bỏ thuốc lá hiệu quả.
2. Chế độ ăn uống hợp lý góp phần ngăn ngừa ung thư
Chọn mua thực phẩm tươi sống và tự chế biến là cách tốt nhất để đảm bảo bữa ăn của bạn luôn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Không những thế, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Theo đó, bạn nên:
- Ăn nhièu trái cây cũng như rau củ quả đa dạng.
- Ít tiêu thụ các loại thực phẩm chứa hàm lượng calo cao, chẳng hạn như đường tinh chế và chất béo từ các nguồn động vật để tránh thừa cân.
- Nếu muốn dùng thức uống chứa cồn như bia, rượu…, bạn cần uống trong mức độ cho phép. Nồng độ cồn cùng với mức độ thường xuyên mà cơ thể hấp thụ tỷ lệ thuận với nguy cơ gây ung thư.
- Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn Địa Trung Hải là một trong những cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất. Phụ nữ áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải thường bổ sung dầu ô liu và các loại hạt, nhờ đó họ có thể giảm nguy cơ ung thư vú. Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung chủ yếu vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ví dụ như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt. Những người tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải chọn chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu, bơ và cá thay vì thịt đỏ.
3. Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục
Duy trì cân nặng khỏe mạnh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm:
- Ung thư vú
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư phổi
- Ung thư đại tràng và thận
Hoạt động thể chất cũng có chức năng tương tự. Ngoài việc giúp bạn kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục thể thao có thể tăng cường sức khỏe, từ đó làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư ruột kết.
Người lớn tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng đều đạt được một số lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể đạt được lợi ích tối đa, bạn cần cố gắng tập ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập nhẹ. Đối với những hoạt động mạnh, thời gian tối thiểu cho mỗi tuần sẽ là 75 phút. Bạn cũng có thể thực hiện kết hợp hai loại vận động cùng lúc. Để làm được điều này, bạn hãy bắt đầu tập thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày 30 phút.
4. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để phòng ngừa ung thư
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là cách phòng chống ung thư da đơn giản nhất, đây là một trong những loại ung thư phổ biến hiện nay. Để làm được điều này, bạn có thể:
- Tránh ra đường vào buổi trưa, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều – thời điểm số lượng các tia cực tím cao nhất.
- Trú trong bóng râm: khi ra đường, bạn hãy chọn dừng chân ở những nơi có bóng mát nhằm cản bớt một phần ánh nắng mặt trời.
- Bảo hộ cơ thể tốt: nếu phải ra đường vào thời điểm nắng gắt, bạn hãy tự trang bị cho mình những món đồ có thể che chắn phần nào các khu vực tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như kính mát, mũ rộng vành, áo khoác, quần dài, giày thể thao… Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng quần áo màu sáng hoặc sẫm màu có thể phản xạ các tia cực tím tốt hơn so với quần áo tông màu nhạt.
- Đừng bỏ qua kem chống nắng: bạn nên tập thói quen sử dụng kem chống nắng hàng ngày với chỉ số SPF ít nhất là 30+, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Hãy thoa kem chống nắng đầy đủ với lượng vừa phải để tránh bít các lỗ chân lông. Bạn cũng có thể bôi lại sau mỗi hai giờ hoặc ít hơn, trong trường hợp bạn đổ mồ hôi nhiều hoặc đang bơi.
- Tránh giường tắm nắng và đèn cực tím: Hai thiết bị này đều có khả năng khiến những tế bào đột biến phát sinh tương tự ánh nắng sáng mặt trời tự nhiên.
5. Tiêm chủng đầy đủ là một cách giúp phòng ngừa ung thư
Phòng ngừa ung thư bao gồm việc bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh lý do virus gây ra. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vắc xin:
a. Viêm gan B
Viêm gan B là một trong nhiều vấn đề sức khỏe có nguy cơ dẫn đến biến chứng ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời. Nếu thuộc một hoặc nhiều trường hợp dưới đây, bạn sẽ cần phải tiêm chủng viêm gan B:
- Thường xuyên quan hệ tình dục với nhiều người
- Nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch
- Quan hệ tình dục giữa nam với nam
- Thường xuyên tiếp xúc với máu hoặc chất dịch từ cơ thể nhiễm bệnh
b. Virus Papilloma (HPV)
HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung và các cơ quan sinh dục khác cũng như ung thư tế bào vảy ở đầu và cổ. Trẻ nhỏ từ 11 – 12 tuổi sẽ cần được tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa.
6. Tránh những hoạt động có nguy cơ gây ung thư
Trong một số trường hợp đặc biệt, nhiễm trùng có nguy cơ dẫn đến ung thư. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng một “chiến thuật” phòng ngừa ung thư hiệu quả khác là tránh xa các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến nhiễm trùng, bao gồm:
a. Quan hệ tình dục với nhiều người
Hạn chế số lượng bạn tình cũng như sử dụng bao cao su là hai nguyên tắc hàng đầu giúp bạn quan hệ tình dục an toàn. Số lượng bạn tình càng nhiều đồng nghĩa với việc khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như HIV hoặc HPV, ở bạn càng cao. Những người bị HIV hoặc AIDS có nguy cơ mắc bệnh ung thư hậu môn, gan và phổi cao hơn người bình thường. Mặt khác, HPV có mối liên hệ mật thiết với ung thư cổ tử cung. Đồng thời, nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn, dương vật, cổ họng và âm đạo.
b. Dùng chung kim tiêm
Dùng chung kim tiêm có nguy cơ dẫn đến HIV, cũng như viêm gan B và viêm gan C – các tác nhân trực tiếp gây ung thư gan.
7. Cách phòng ngừa ung thư: Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ đầy đủ là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Vì lúc này, bạn có thể thực hiện tầm soát các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như ung thư da, đại tràng, cổ tử cung… Tầm soát ung thư có thể làm tăng khả năng phát hiện những tế bào đột biến từ sớm, nhờ đó tăng tỷ lệ thành công của liệu trình điều trị.
Bạn có thể hỏi bác sĩ về lịch trình tầm soát ung thư tốt nhất dành cho mình.
Thói quen sinh hoạt và ăn uống dóng một vai trò quan trọng giúp bạn phòng ngừa ung thư xuất hiện và tiến triển. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi các yếu tố này. Đừng chỉ tự hỏi “Chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa các bệnh ung thư?”, hãy hành động ngay từ bây giờ.
Nguồn: HelloBacsi