Trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm mà không ít mẹ gặp phải sau khi sinh con. Đây là một vấn đề tương đối phổ biến và nguy hiểm, thường xảy ra trong vòng một năm sau khi sinh. Việc nhận biết sớm những dấu hiệu trầm cảm sau sinh có thể giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn, tránh những rủi ro.
I. Phân loại trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một vấn đề về tâm lý liên quan đến não và ảnh hưởng đến hành vi cũng như sức khỏe thể chất của người mẹ (và thậm chí có trường hợp là người cha). Dựa trên mức độ nặng của bệnh mà trầm cảm sau sinh được phân thành 3 loại:
1. Hội chứng baby blues
Khoảng 50-75% phụ nữ sau sinh sẽ gặp phải tình trạng “baby blues”. Hội chứng này thường bắt đầu trong vòng 1-4 ngày sau sinh, khiến mẹ sau sinh cảm thấy buồn bã, lo lắng, tâm trạng thất thường, khó ngủ hoặc chán nản. Đối với nhiều phụ nữ, baby blues sẽ biến mất sau 3-5 ngày mà không cần điều trị, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 2 tuần.
2. Trầm cảm sau sinh
Nếu hội chứng baby blues không biến mất trong 2 tuần hoặc mẹ sau sinh cảm thấy buồn bã, vô vọng hoặc trống rỗng trong hơn 2 tuần, thì tình trạng trầm cảm sau sinh đã xảy ra. Đây là một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều so với chứng baby blues, ảnh hưởng đến khoảng 1/7 những người mới làm cha mẹ.
Trầm cảm sau sinh thường xảy ra trong khoảng từ 2-8 tuần sau khi sinh, nhưng cũng có thể xảy ra sau khi em bé đã chào đời được khoảng 1 năm. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu trầm cảm có thể bắt đầu trong khi mang thai và tiếp diễn sau khi sinh con.
Các dấu hiệu trầm cảm sau sinh có thể từ nhẹ đến nặng, thường kéo dài vài tháng và có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm.
3. Loạn thần sau sinh
Rối loạn tâm thần sau sinh (loạn thần sau sinh) là một dạng trầm cảm sau sinh cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra khi tâm trạng của phụ nữ sau sinh bị rối loạn cực độ. Tình trạng này tương đối hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1/1000 người sau khi sinh. Người bị loạn thần sau sinh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp vì các triệu chứng nghiêm trọng thường xảy ra nhanh chóng sau khi sinh và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, việc điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và hỗ trợ bạn gắn kết với con một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải kịp thời nhận biết các dấu hiệu trầm cảm sau sinh để có thể nhanh chóng điều trị bệnh.
II. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh rất đa dạng. Đối với mỗi loại rối loạn tâm trạng sau sinh, các dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường khác nhau ở mức độ nặng.
1. Dấu hiệu nhận biết mẹ sau sinh mắc hội chứng baby blues
Hội chứng baby blues phổ biến đến mức được xem là điều bình thường. Các triệu chứng của baby blues có thể bao gồm:
- Tâm trạng thất thường
- Thường cảm thấy buồn bã
- Cảm thấy lo lắng
- Có cảm giác choáng ngợp
- Hay chán nản
- Dễ rơi nước mắt mà không có lý do
- Mất cảm giác ngon miệng
- Gặp khó khăn khi ngủ
- Dễ cáu gắt
- Đôi khi cảm thấy hơi thất vọng
- Tự vấn về khả năng chăm sóc trẻ mới sinh
Lưu ý: Nếu các triệu chứng baby blues kéo dài hơn 2 tuần hoặc bắt đầu muộn hơn 2 tuần, đó không còn là baby blues nữa mà đã chuyển sang giai đoạn 2 của trầm cảm sau sinh.
2. Dấu hiệu nhận biết bị trầm cảm sau sinh
Mẹ sau sinh có thể bị trầm cảm sau sinh nếu có từ 5 dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây trở lên và các triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm sau sinh ấy kéo dài hơn 2 tuần:
a. Có những thay đổi trong cảm xúc
- Cảm thấy chán nản, ủ rũ hoặc bồn chồn phần lớn thời gian trong ngày
- Thiếu năng lượng và luôn cảm thấy mệt mỏi
- Có cảm giác xấu hổ, tội lỗi
- Cảm thấy bản thân không có giá trị và là một người mẹ tồi
- Hầu hết thời gian trong ngày đều cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi, lo lắng tột độ
- Có sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
- Thường xuyên khó chịu và tức giận dữ dội
- Buồn bã dai dẳng, thường xuyên cảm thấy choáng ngợp, vô vọng
- Khóc quá nhiều
b. Có những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày cũng là dấu hiệu trầm cảm sau sinh
- Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động từng yêu thích
- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
- Chán ăn, ăn quá ít hoặc quá nhiều so với bình thường
- Mất ngủ, ngủ quá ít hay quá nhiều hoặc giấc ngủ bị xáo trộn (khó ngủ vào ban đêm và cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày)
- Tăng hoặc giảm cân bất thường, bị động (cân nặng thay đổi 5%/tháng)
- Tự rút khỏi các mối quan hệ bạn bè và gia đình
- Gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Giảm khả năng suy nghĩ rõ ràng
- Gặp vấn đề về trí nhớ
- Thường cảm thấy nhức đầu, đau nhức hoặc có các vấn đề về dạ dày không biến mất
c. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh – Có những thay đổi trong suy nghĩ về bản thân hoặc con
- Không quan tâm đến em bé
- Không cảm thấy được kết nối hoặc gặp khó khăn trong việc liên kết với em bé
- Cảm thấy như thể em bé là con người khác
- Cảm thấy khó khăn và nghi ngờ khả năng chăm sóc bản thân và em bé
- Có ý nghĩ làm tổn thương em bé
- Có suy nghĩ làm tổn thương bản thân
- Có ý nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết hoặc suy nghĩ nhiều về việc tự tử
3. Dấu hiệu loạn thần sau sinh
Rối loạn tâm thần sau sinh là một tình trạng hiếm gặp, thường phát triển trong tuần đầu tiên sau khi sinh với các triệu chứng rất nghiêm trọng, bao gồm:
- Cảm thấy tuyệt vọng và mất mát
- Có những suy nghĩ ám ảnh về em bé
- Ảo giác, ảo tưởng
- Có vấn đề về giấc ngủ
- Kích động dữ dội
- Hiếu động thái quá
- Luôn cảm thấy bực bội, tức giận
- Cảm thấy rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid)
- Cố gắng làm hại bản thân hoặc em bé
Nguồn: HelloBacsi