Sảy thai liên tiếp là tai biến sản khoa hết sức nguy hiểm, thậm chí có thể khiến người mẹ không thể mang thai thành công trong những lần tiếp theo. Cần tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp ngăn ngừa hiện tượng này. Vậy sảy thai liên tiếp mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm gì?
I. Nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp
Mỗi trường hợp mẹ bầu bị sảy thai liên tiếp đều có thể do các nguyên nhân khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai liên tiếp, bao gồm 2 nhóm chính là nguyên nhân gây sảy thai sớm và nguyên nhân gây sảy thai muộn.
Sảy thai sớm là tình trạng sảy thai ngay từ tam cá nguyệt thứ nhất. Theo nhiều nghiên cứu, 50 – 80% các trường hợp sảy thai sớm là do nguyên nhân số lượng nhiễm sắc thể bất thường.
Sảy thai muộn thường do những nguyên nhân về vấn đề tự miễn dịch, chuyển dạ sinh non, bất thường ở cổ tử cung và tử cung.
Trong các nhóm nguyên nhân trên, có một vài nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp phổ biến phải kể đến như:
1. Bất thường di truyền
Rất nhiều trường hợp bị sảy thai sớm là do bất thường di truyền. Thông thường, cơ thể con người có 46 nhiễm sắc thể, được chia làm 23 cặp. Nếu thai nhi thừa hoặc thiếu một nhiễm sắc thể sẽ gây ra đột biến, dẫn đến các bệnh lý như hội chứng Down, thai chết lưu, sảy thai…
2. Bệnh tự miễn
Một số bệnh tự miễn xảy ra khi cơ thể mẹ bầu sản xuất ra các kháng thể gây đông máu nên đã khiến thai nhi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển, dẫn đến sảy thai.
3. Bệnh mãn tính
Nếu mẹ bầu mắc một số bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp thì sẽ làm tăng nguy cơ bị sảy thai liên tiếp. Hệ thống miễn dịch hoặc hệ thống đông máu có bất thường cũng có thể là nguy cơ dẫn đến tình trạng này.
4. Dị tật tử cung, cổ tử cung
Theo các chuyên gia, bất thường cấu trúc tử cung chiếm đến 15% các nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp. Những bất thường điển hình nhất như: tử cung có vách ngăn, tử cung đôi, tử cung nhi hóa…
Ngoài ra, tử cung có khối u, polyp, u xơ, các vết sẹo cũng làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
5. Yếu tố môi trường
Ngoài những yếu tố bên trong cơ thể mẹ và thai nhi, yếu tố môi trường như thường xuyên tiếp xúc chất độc hại, khói thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc tia X sẽ khiến mẹ bầu bị sảy thai liên tiếp nhiều hơn những bà bầu khác.
6. Sảy thai không rõ nguyên nhân
Nhiều trường hợp mẹ bầu bị sảy thai nhưng lại không xác định được nguyên nhân chính xác gây nên hiện tượng này. Có thể, bác sĩ tìm được vài manh mối nhưng vẫn chưa đủ chắc chắn để khẳng định chính xác nguyên nhân.
II. Sảy thai liên tiếp mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm gì?
Khi bị sảy thai liên tiếp từ 2 lần trở lên, chị em cần đi khám và thực hiện ngay một vài xét nghiệm để tìm được nguyên nhân chính xác, từ đó có phương án điều trị phù hợp để có được một thai kỳ an toàn sau đó.
Nếu bị sảy thai liên tiếp, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết dưới đây:
1. Nhóm xét nghiệm liên quan đến hệ miễn dịch
Bao gồm các xét nghiệm đến bất đồng nhóm máu, xét nghiệm kháng thể Phospholipid, antibody, Lupus Anticoagulant antibody…
2. Nhóm xét nghiệm di truyền
Nhóm xét nghiệm này bao gồm:
- Nhiễm sắc đồ: Phát hiện bất thường về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể của vợ hoặc chồng, hoặc cả 2 vợ chồng. Xét nghiệm này có thể thực hiện sau khi thai phụ bị sảy thai và thai nhi đã tống xuất ra khỏi buồng tử cung, thực hiện xét nghiệm với mục đích tìm ra nguyên nhân.
- Xét nghiệm di truyền cấp độ phân tử: gồm xét nghiệm gen, đoạn gen, xét nghiệm gen tăng đông máu của mẹ…
3. Nhóm xét nghiệm vi sinh
Bao gồm xét nghiệm bệnh giang mai, toxoplasma, CMV… để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, có thể dẫn đến sảy thai liên tiếp.
4. Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm tìm ra những rối loạn nội tiết như bệnh tuyến giáp, bệnh đái tháo đường, suy hoàng thể sớm…
III. Biện pháp phòng ngừa sảy thai liên tiếp
Có nhiều nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp, thậm chí nhiều trường hợp bị sảy thai không rõ nguyên nhân. Vì vậy, tốt nhất hãy phòng ngừa tình trạng này ngay từ sớm bằng cách thực hiện những biện pháp sau:
1. Xây dựng lối sống lành mạnh
Thai phụ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho mẹ và thai nhi như: sắt, canxi, DHA, magie, kẽm, vitamin A… để mẹ khỏe và thai nhi được cung cấp đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức, thức quá khuya, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Ngoài ra, hãy giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan trong suốt hành trình mang thai.
2. Bổ sung đủ acid folic
Bổ sung đầy đủ acid folic ngay từ đầu thai kỳ (tốt nhất là bổ sung trước khi mang thai 3 tháng) sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ bị sảy thai và dị tật bẩm sinh.
3. Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn và mang thai giúp xác định được vợ chồng có mang gen bệnh di truyền hay những bất thường nào về sức khỏe hay không. Nếu khỏe mạnh, bạn có thể an tâm hơn cho việc mang thai. Trường hợp có bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị từ sớm để đảm bảo sức khỏe khi mang thai cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh di truyền cho thai nhi.
Sảy thai liên tiếp là tình trạng không một mẹ bầu nào mong muốn. Vì vậy, hãy dự phòng sớm những biện pháp phòng ngừa, thăm khám thai kỳ thường xuyên để phát hiện bất thường và xử trí ngay từ đầu giúp chặn đứng nguy cơ sảy thai ở lần mang thai tiếp theo.