Cùng với ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ. Theo thống kê bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ trên tuổi 50, tuy nhiên, vẫn có phụ nữ ở các độ tuổi thấp hơn mắc phải căn bệnh này. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng khoảng 4,6/100.000 phụ nữ.
1. Ung thư buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một cơ quan trong hệ sinh sản của phụ nữ. Khi một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện khối u ác tính thì được gọi là ung thư buồng trứng. Các tế bào ung thư này phát triển bất thường, không theo nhu cầu hay sự kiểm soát của cơ thể. Nó có thể xâm lấn và phá hủy các mô, các cơ quan ở xung quanh, thậm chí có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại đó.
Có 3 thể ung thư buồng trứng đã được y học nhận diện:
- Loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô buồng trứng, các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng.
- Loại ít gặp hơn là ung thư tế bào mầm, ung thư xuất hiện từ các tế bào sản xuất ra trứng.
- Loại hiếm gặp nhất là ung thư buồng trứng, xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng.
2. Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Mặc dù ung thư buồng trứng là một căn bệnh khá phổ biến và nguy hiểm nhưng cho đến nay, y học dường như vẫn “bó tay” trong việc phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh. Các nghiên cứu mới chỉ tìm ra được mối liên quan giữa bệnh với các yếu tố sau đây:
- Bản thân mắc ung thư vú, ung thư đại tràng;
- Gia đình có mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng;
- Phụ nữ trên 50 tuổi, đặc biệt là trên 60 tuổi;
- Phụ nữ chưa từng mang thai và sinh con;
- Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh có điều trị hormon thay thế
- Phụ nữ có sử dụng bột talc vốn có nhiều trong mỹ phẩm và phấn rôm. Khi cơ quan sinh dục ở phụ nữ tiếp xúc nhiều với loại bột này thì có liên quan đến việc hình thành các khối u trong buồng trứng.
3. Các dấu hiệu nhận biết ung thư buồng trứng
Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường trong một thời gian dài, chị em không nên chủ quan. Các triệu chứng bất thường đó bao gồm:
- Rối loạn đường tiêu hóa như đầy bụng, ợ nóng, buồn nôn, nôn, táo bón…
- Đau lưng, đau bụng vùng khung xương chậu
- Ăn uống không ngon miệng, sút cân không rõ lý do
- Đi tiểu nhiều, quá mức bình thường
- Thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
- Đau rát khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh
Đáng lưu ý là các dấu hiệu này rất giống với nhiều bệnh lý khác và thường bị nhầm lẫn với các bệnh đó, khiến người bệnh chủ quan. Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu cũng rất khó khăn. Vì thế, các chị em thường được phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo mọi phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng định kỳ 6 tháng/lần và đặc biệt cần đến ngay các chuyên khoa để khám, xét nghiệm khi có các dấu hiệu bất thường trên để đảm bảo rằng đã loại trừ được nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng.
4. Ung thư buồng trứng có chữa khỏi được không?
Nếu được phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn 1 thì bệnh nhân có 95% cơ hội kéo dài sự sống trên 5 năm. Tỷ lệ này giảm còn khoảng 70% nếu bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, 39% ở giai đoạn 3 và gần như rất ít cơ hội nếu ở giai đoạn 4. Tỷ lệ kéo dài sự sống trên 5 năm này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, độ tuổi mắc bệnh, tiền sử bệnh tật, khả năng đáp ứng điều trị…
Theo kết quả nghiên cứu của Liên đoàn Phụ khoa & Sản khoa Quốc tế và Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư tại Hoa Kỳ, dựa vào 3 yếu tố bao gồm: Kích thước của khối u, hạch bạch huyết và tình trạng di căn để xác định giai đoạn bệnh.
Ung thư buồng trứng hiện nay được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, khối u có mặt ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng, chưa lan đến các hạch bạch huyết và các khu trú khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 2, ung thư buồng trứng đã bắt đầu lan sang các cơ quan khác ở vùng chậu như bàng quang, tử cung, đại trực tràng, chưa lan đến các hạch bạch huyết và khu vực ngoài vùng chậu.
- Giai đoạn 3, ung thư đã hiện diện ở một hoặc cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc phúc mạc, có di căn phúc mạc ngoài tiểu khung và/hoặc di căn hạch sau phúc mạc.
- Giai đoạn 4, các tế bào ung thư đã hiện hiện ở dịch xung quanh phổi, gan, xương, lá lách, ruột và các hạch bạch huyết xa hơn.
Xem thêm: