Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bàn chân bẩm sinh ở trẻ em, xảy ra ngay từ giai đoạn người phụ nữ đang trong thai kỳ. Bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra ở một chân hoặc cả hai chân, mang đến những hình dạng bất thường cho bàn chân trẻ cũng như khó khăn trong một số hoạt động hàng ngày.
Bàn chân khoèo bẩm sinh
– Bàn chân khoèo là một loại biến dạng xuất hiện ở bàn chân của trẻ sơ sinh, có thể là một chân hoặc cả hai chân, thường bắt đầu vào thời điểm 3 tháng giữa thai kỳ và rất khó để phát hiện khi siêu âm thai vào thời điểm trước tuần thứ 16 mang thai.
– Về dấu hiệu nhận biết, bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện một cách dễ dàng sau khi trẻ chào đời với những triệu chứng như hình dạng bàn chân khoèo vào trong tựa như hình ảnh cây gậy đánh golf, khi thăm khám thì thấy sờ cứng, các cơ và dây chằng ở bàn chân có thể có dấu hiệu co rút, cũng có thể thấy hình ảnh bàn chân khép hoặc gập lòng.
Sau đây là những đặc điểm cụ thể hơn về cấu trúc giải phẫu xuất hiện trên bàn chân của một trẻ em mắc phải hội chứng bàn chân khoèo:
- Khép, nghiêng vào bên trong đối với phần trước và giữa của bàn chân
- Bàn chân bị gập lòng
- Mép ngoài của bàn chân cong hơn so với bình thường
- Xuất hiện nếp lằn da sau gót bàn chân
- Xuất hiện nếp lằn da giữa bàn chân
- Không sờ thấy được khoảng giữa mắt cá trong và xương ghe
- Ngón chân cái có độ dài ngắn hơn so với bình thường
- Cơ vùng cẳng chân có thể bị teo hoặc liệt
- Dùng tay không đưa bàn chân đến vị trí trung gian được
- Một số dị tật có thể xuất hiện cùng lúc như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp vùng xương bánh chè, cứng khớp khuỷu tay…
Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể có giá trị trong việc chẩn đoán bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh đó là:
- Chụp X quang xương bàn chân
- Siêu âm thai, hiếm khi siêu âm cho kết quả trước tuần thai thứ 16.
bàn chân khoèo bẩm sinh
– Tùy vào mức độ bàn chân khoèo cũng như những yếu tố liên quan mà khả năng tiến triển bệnh sẽ khác nhau đối với từng trường hợp cụ thể. Nếu trẻ bị bàn chân khoèo có kèm theo tình trạng biến dạng xương ở bàn chân thì sẽ rất khó khăn trong việc chỉnh hình lại bàn chân, ngoài ra nếu những cơ của bàn chân xuất hiện các bất thường thì khả năng tái phát bàn chân khoèo cũng rất cao sau khi trẻ được nắn chỉnh.
– Bệnh nhi bị bàn chân khoèo một bên thường dễ nắn chỉnh hơn so với bị bàn chân khoèo hai bên. Bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ nữ khó để nắn và chỉnh hình lại bình thường so với trẻ nam. Ngoài ra, nếu có những dị tật khác đi kèm như cứng khớp gối, khớp khuỷu tay thì nắn chỉnh sẽ không đạt hiệu quả cao, lúc này cần phải cân nhắc và tiến hành phẫu thuật cho trẻ.
– Mặc dù bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh không khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhưng sẽ gây ra những khó khăn và cản trở trong quá trình bệnh nhi tập đi cũng như thực hiện những vận động hàng ngày, về lâu dài sẽ trở thành một khuyết tật suốt đời đối với cơ thể người bệnh.
Phục hồi chức năng bàn chân khoèo bẩm sinh
– Bàn chân khoèo bẩm sinh có thể được điều trị dễ dàng, không tốn kém nhiều cũng như mang lại hiệu quả cao nếu bệnh nhi được phát hiện và điều trị kịp thời. Phương pháp phục hồi chức năng bàn chân khoèo bẩm sinh phổ biến và được áp dụng nhiều nhất hiện nay có tên là Ponseti, được tiến hành để điều trị bàn chân khoèo khi trẻ còn trong thời gian 2 tuần đầu sau sinh.
Phương pháp Ponseti trải qua 3 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 1: Bó bột nắn chỉnh biến dạng bàn chân khoèo
- Giai đoạn 2: Phẫu thuật gân gót
- Giai đoạn 3: Cho bé mang giày nẹp để cố định bàn chân trong tư thể dạng ngoài để ngăn ngừa bàn chân khoèo tái phát.
Trên thực tế lâm sàng, bệnh nhi khi được phát hiện và chẩn đoán bàn chân khoèo bẩm sinh sẽ được điều trị bằng phương pháp Ponseti theo các thứ tự như sau:
- Bó bột lần 1 để chỉnh vòm
- Bó bột lần 2 và lần 3 để tiếp tục chỉnh khép và nghiêng trong
- Cắt gân gót sau đó bó bột lần 4 trong vòng 3 tuần để gân gót có thể được tái tạo và vững chắc.
- Mang nẹp giày Dennis – Brown để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ trong tương lai. Trẻ được chỉ định mang nẹp giày liên tục cả ngày, kể cả lúc ngủ trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật cắt gân gót cho đến khi trẻ được 3 tuổi.
- Đối với những trẻ em dưới 2 tuổi và bị bàn chân khoèo chưa phẫu thuật cắt gân thì có thể theo dõi và đánh giá bằng thang điểm Pirani trước khi đưa ra chỉ định cắt gân gót cho trẻ.
– Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, tuy không gây cảm giác đau đớn hay gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến những bất tiện trong việc đi lại, vận động, hoạt động của trẻ nếu không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp.
– Vì vậy, khi thất bất cứ dấu hiệu bàn chân nào bất thường, trẻ cần được đưa đến những cơ sở y tế có chuyên môn trong lĩnh vực này để khám và chẩn đoán, từ đó sẽ có hướng điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Nguồn: Vinmec